ClockThứ Sáu, 28/06/2024 15:04

Đồng hành cùng hoạt động tín dụng chính sách

TTH.VN - Là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách (Chỉ thị 40) trên địa bàn tỉnh ngày 28/6.

Chạy đua cập nhật sinh trắc học: Để giao dịch ngân hàng thông suốt Cảnh báo mua bán tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên

Tham dự lễ tổng kết còn có ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH).

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 40 

Dấu ấn

Thực hiện Chỉ thị 40, Tỉnh ủy đã tập trung quán triệt, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền đẩy mạnh việc gắn kết các hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình, dự án... nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị liên quan, tổ chức chính trị xã hội các cấp cùng với NHCSXH tập trung thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.

Nhờ vậy, tỷ lệ nợ quá hạn trên địa bàn giảm chỉ còn 0,18% so với năm 2014. Toàn tỉnh, có 87/141 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 61,7%), có 446/515 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 86,6%); có 2.237/2.331 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 96%).

Ngoài ra, thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực đồng hành cùng tín dụng chính sách, các địa phương đã chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH. Nguồn vốn này không ngừng tăng lên qua các năm. Tất cả các địa phương cấp huyện đều trích ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 264 tỷ đồng, tăng 232 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị. Trong đó, nguồn vốn ủy thác cấp tỉnh là 172 tỷ đồng, tăng 148 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác địa phương cấp huyện là 86 tỷ đồng, tăng 84 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40; nguồn vốn chủ đầu tư khác 5,5 tỷ đồng.

Ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam nhận định, Chỉ thị 40 đã đi vào cuộc sống làm thay đổi cơ bản diện mạo tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của cấp ủy, chính quyền từ bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn... Ngoài ra, sự tham gia của Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện, an toàn tại 141 điểm giao dịch (đặt tại trụ sở UBND cấp xã) đã tăng thêm sự gắn kết với các đối tượng chính sách. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày một nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội cùng với các chính sách an sinh xã hội khác đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 5,3% năm 2014 xuống còn 2,27% vào cuối năm 2023 (giảm 3,03%).

Đồng hành cùng hoạt động tín dụng chính sách

Không thể phủ nhận, Chỉ thị 40 đã thổi một luồng gió mới cho hoạt động tín dụng chính sách. Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đều cho rằng, việc xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ đã góp phần quan trọng phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Các đại biểu còn chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại trong chỉ đạo điều hành như, việc chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huy động tổ chức xã hội, các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách còn hạn chế. Tại một số địa phương, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác chưa thực hiện thường xuyên hoặc có kiểm tra nhưng chưa sâu, chất lượng kiểm tra chưa cao. Cán bộ lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ ủy thác theo chế độ kiêm nhiệm, thay đổi sau các kỳ đại hội nên hạn chế trong việc chỉ đạo, quản lý vốn nhận ủy thác và thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

 Các xã, phường tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội đặt trụ sở tại UBND cấp xã 

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đề nghị, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 trong tình hình mới. Xác định bố trí đủ, kịp thời nguồn lực tài chính cho tín dụng chính sách là nhiệm vụ hàng đầu, nhất là khi Thừa Thiên Huế đang phấn đấu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bởi sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đối tượng được thụ hưởng các chính sách về tín dụng ưu đãi sẽ bị giới hạn. Vì vậy, UBND tỉnh, huyện cần ban hành các đề án nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương sang NHCSXH đến năm 2030 để cho các đối tượng còn khó khăn nhưng không thuộc đối tượng cho vay theo quy định của Chính phủ vay vốn.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách, sự vào cuộc của NHCSXH trong hỗ trợ cho vay vốn, tạo sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo, giải quyết việc làm... Tuy nhiên, để tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả cần có sự chung tay nhiều hơn. Các địa phương, sở ngành, các hội đoàn thể phải tăng cường phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, khả năng sử dụng vốn của người dân; cùng với ngân hàng thực hiện nghiêm các quy trình, quy định cho vay, giải ngân, thu hồi vốn đảm bảo sử dụng đúng đối tượng thụ hưởng, giảm thiểu nợ xấu…

Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Muốn làm được điều này, vai trò của hoạt động tín dụng chính sách hết sức quan trọng, nhất là trong thực hiệc các nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, năng cao thu nhập, tạo sinh kế việc làm ổn định cho người dân. Vì thế, mỗi cán bộ tín dụng cần không ngừng nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. NHCSXH cũng cần đơn giản hoá các thủ tục vay vốn nhưng vẫn bảo đảm tính pháp lý, công bằng giúp người dân dễ dàng tiếp cận với vốn vay ưu đãi, đẩy lùi tín dụng đen.

Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen cho 1 tập thể; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 20 tập thể, 30 cá nhân; Tổng Giám đốc NHCSXH tặng giấy khen cho 7 tập thể, 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vươn lên từ “Chỉ thị 40”

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng (Chỉ thị 40) thật sự là “làn gió mới” hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Vươn lên từ “Chỉ thị 40”
Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương

Sáng 27/6, Tỉnh đoàn - Ủy Ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức lễ xuất quân Hành trình “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế với biển, đảo quê hương” năm 2024.

Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương
Nhiều khó khăn trong cho vay nhà ở xã hội

Chiều 13/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh có buổi làm việc cùng Sở Xây dựng và các doanh nghiệp (DN), ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn liên quan đến triển khai cho vay nhà ở xã hội (NOXH).

Nhiều khó khăn trong cho vay nhà ở xã hội
Return to top