ClockThứ Hai, 27/03/2023 13:29

Giải pháp & biện pháp

Vụ phá rừng ở Nam Đông vừa được một số phương tiện thông tin đại chúng công khai trong tuần qua, cho thấy công tác quản lý và bảo vệ rừng hiện nay còn nhiều chỗ hổng. Số lượng rừng bị tàn phá tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo phản ánh là nghiêm trọng, với hàng loạt cây gỗ quý có tuổi đời hàng chục năm tuổi bị đốn hạ. Quá trình phá rừng còn diễn ra rầm rộ cả ngày lẫn đêm, các đối tượng ngang nhiên dựng cả lều trại trong rừng nhiều ngày, dùng trâu và nhiều cách thức để kéo gỗ ra khỏi rừng mà không gặp sự cản trở nào...

Đây không phải là lần đầu rừng ở Nam Đông nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung bị tàn phá, xâm hại mà đã xảy ra rất nhiều vụ trước đó. Cách đây 2 năm, trên địa bàn xã Thượng Quảng xảy ra vụ phá rừng nằm cách khá xa khu dân cư với nhiều loài cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế, gây bức xúc dư luận. Mới giữa năm ngoái đây, tại khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn xã Bình Tiến (Hương Trà) một vụ phá rừng khác đã xảy ra, với hàng loạt cây gỗ lớn bị đốn hạ...

Điều đáng nói là, các vụ phá rừng, xâm hại rừng vẫn chưa dừng lại mà hầu như năm nào cũng diễn ra với nhiều mức độ khác nhau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh bị giảm. Tại Quyết định 359/QĐ-UBND, ngày 18 tháng 2 năm 2023 của UBND tỉnh về Công bố hiện trạng rừng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 cho thấy, diện tích rừng tự nhiên, giảm hơn 72ha; ngoài nguyên nhân do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sạt lở... còn do phá rừng và lấn chiếm rừng gây ra.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, điều khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng hiện nay là diện tích rộng, đường sá đi lại khó khăn nhưng lực lượng lại mỏng. Các đối tượng phá rừng thì không trừ một phương thức thủ đoạn nào, lại manh động, trang bị hung khí nên dễ tẩu thoát khi phát hiện các lực lượng tuần tra...

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đáng chú ý là việc tạo sinh kế, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc quản lý và bảo vệ rừng; giao rừng tự nhiên cho người dân và các nhóm hộ cộng đồng ở địa phương quản lý, bảo vệ, hưởng lợi...

Nhiều công văn, chỉ thị cũng được các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành, nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Tháng 8/2022 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 8270/UBND-NN yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục kiện toàn công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp và trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm hành vi phá rừng, giữ vững trật tự kỷ cương pháp luật cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững...

Công tác xử lý hình sự các vụ phá hoại, xâm hại rừng cũng đã được quan tâm, nhằm để răn đe cũng đã được tiến hành. Đơn cử như cuối năm ngoái, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động thiết kế, thẩm định phương án và dự toán khai thác tận thu gỗ thông do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy quản lý.

Thực tế cho thấy, các giải pháp, biện pháp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Song, vì nguồn lợi từ khai thác rừng trái phép lớn nên nhiều đối tượng đã bất chấp, cố tình vi phạm. Nên cùng với các giải pháp thì cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sự sống của chúng ta.

ĐẶNG THÀNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống

Ngày 15/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã đến dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cùng người dân thôn Bha Bhar (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống
Rác thải tràn lan ở các khu dân cư

TP. Huế ngày càng xanh - sạch - sáng trên từng xóm phố, nẻo đường. Tuy nhiên, hiện nay tại một số khu quy hoạch (KQH), khu dân cư (KDC) mới vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Rác thải tràn lan ở các khu dân cư
Return to top