Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tặng quà hỗ trợ người dân khó khăn xã Vinh Xuân (Phú Vang)
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo GNBV tỉnh Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo GNBV tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.
Toàn tỉnh đã giảm được 4.271 hộ nghèo
Đánh giá kết quả thực hiện công tác GNBV trên địa bàn tỉnh thời gian qua, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo GNBV tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, với mục tiêu, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%; đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo Quốc gia, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng với mục tiêu đạt kết quả cao nhất.
Năm 2021, toàn tỉnh có 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25%. Trong đó, huyện A Lưới có 14 xã (A Roàng, Đông Sơn, Hồng Bắc, Hồng Hạ, Hồng Kim, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Thủy, Hồng Vân, Hương Nguyên, Lâm Đớt, Phú Vinh, Quảng Nhâm, Trung Sơn); huyện Nam Đông có 2 xã (Hương Hữu, Thượng Long).
Kết quả thực hiện ở 14 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% của huyện A Lưới đều có tỷ lệ giảm nghèo từ 7% trở lên; trong đó, xã Hồng Bắc có tỷ lệ giảm cao nhất 27,85%.
2 xã Hương Hữu và Thượng Long của huyện Nam Đông hiện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 25% (Hương Hữu: 14,17%; Thượng Long: 17,16%). Như vậy, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 11.735 hộ, 36.708 nhân khẩu (giảm 4.271 hộ so với năm 2021), vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2022 là 1.957 hộ.
Năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.029 ngôi nhà với kinh phí 46.219 triệu đồng cho các hộ nghèo. Đến cuối tháng 11/2022, đã có 1.402 lao động hoàn thành các khóa đào tạo, học nghề và có 1.180 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; trong đó, có 28 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Kết hợp tháo gỡ khó khăn, không chờ đợi
Thực tế qua quá trình triển khai thực hiện GNBV vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về công tác GNBV ở một số địa phương, đơn vị có nơi, có mặt còn hạn chế, chưa sâu rộng. Người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo huyện A Lưới khảo sát mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định, giải quyết công ăn, việc làm cho người dân
Bà Nguyễn Thị Nga, Bí thư Đảng ủy xã Hương Hữu (Nam Đông) ý kiến, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có xã Hương Hữu.
Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề để GNBV là thay đổi được nhận thức của người nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, người dân cần mạnh dạn hạn chế trồng cây keo trong vườn nhà, xóa vườn tạp để chuyển các loại cây trồng có giá trị, vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo thu nhập ổn định.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Hữu Phúc đề xuất, để thay đổi nhận thức của người nghèo, cần phát huy vai trò của trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín… để tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của hộ nghèo về thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững, giúp cho hộ nghèo nhận thức được trách nhiệm thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình. Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững.
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, tới đây, Bí thư Tỉnh ủy sẽ đi kiểm tra tại từng địa phương, từng địa chỉ GNBV để có sự thay đổi, đổi mới cách thức triển khai thực hiện ở cơ sở. Huy động tổng lực cả hệ thống chính trị, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ từng địa phương, hộ gia đình GNBV.
Bài, ảnh: ANH PHONG