ClockThứ Sáu, 15/09/2017 06:01

Giám sát chất lượng tàu cá

TTH - Chất lượng tàu cá đóng mới không phải ngư dân nào cũng nắm rõ nên chủ yếu phụ thuộc vào các cơ sở đóng tàu và công tác giám sát của cơ quan chức năng.

Ít am tường

Thời gian qua, chất lượng tàu cá đóng mới là nỗi băn khoăn của ngư dân trên cả nước và đã xảy ra trường hợp tàu kém chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình đánh bắt.

Gỗ nhập khẩu được sử dụng tại Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận

Tại Thừa Thiên Huế, đến nay chưa xảy ra trường hợp tàu cá đóng mới nào liên quan đến chất lượng. Nhà nước cũng đã có chủ trương khuyến khích chuyển đổi vật liệu đóng tàu từ gỗ sang các loại vật liệu mới như tàu vỏ thép, composite. Nhưng, dù là vật liệu gì ngư dân vẫn không am tường nhiều về chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) chia sẻ: “Tui đầu tư gần 20 tỉ để đóng mới tàu vỏ thép nhưng bản thân không rành lắm về loại vật liệu này vì xưa nay chỉ quen tàu vỏ gỗ truyền thống. Do vậy, mọi việc đều phụ thuộc vào đơn vị đóng tàu dựa trên hồ sơ thiết kế đã được xét duyệt”.

Tại cơ sở đóng tàu An Thuận (huyện Phú Vang), mỗi năm đóng mới trên dưới 10 tàu cá có công suất lớn, nhỏ. Ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận cho biết, mỗi con tàu đóng mới trung bình phải cần khoảng 100 khối gỗ, với giá như hiện nay, riêng chi phí vật liệu đã tiêu tốn trên 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do nguồn gỗ kiền truyền thống không đủ cung cấp, tàu cá đóng mới tại đây chủ yếu từ gỗ lim nhập khẩu, nhưng chất lượng loại gỗ này như thế nào thì ngư dân chưa thể kiểm định bằng thực tế. 

Hiện, ở Thừa Thiên Huế vẫn chưa có cơ sở đóng tàu vỏ thép và việc kiểm tra chất lượng loại tàu này thuộc trách nhiệm của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT). Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, công tác đăng kiểm tàu vỏ thép có quy trình khá chặt chẽ, từ việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đều theo quy chế đăng kiểm tàu cá. Theo đó, đăng kiểm sẽ gồm các bước như, xét duyệt thiết kế, kiểm tra phóng dạng, vật liệu, máy móc, … thử đường dài và nghiệm thu xuất xưởng.

Quy trình nghiêm ngặt

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, đối với công tác kiểm định tàu cá đánh bắt xa bờ (ĐBXB) công suất từ 400 CV trở lên được đóng theo Nghị định 67 phải đầy đủ 13 bước theo đúng quy định. Hồ sơ đóng mới tàu cá của ngư dân sau khi đầy đủ các thủ tục cần thiết và được thẩm định thì công việc đóng tàu phụ thuộc vào ngư dân chọn cơ sở đóng tàu theo ý muốn. Trước khi đóng tàu phải có hồ sơ thiết kế nhằm đảm bảo an toàn các thông số kỹ thuật. Trong quá trình đóng phải tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế được các công ty tư vấn thiết kế tư vấn trước đó.

Tàu cá được đóng mới tại Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận

Theo ông Hải, trong 13 bước đăng kiểm tàu cá, nếu bước nào không phù hợp sẽ buộc ngư dân lẫn cơ sở đóng tàu kiểm tra và làm lại.

“Trong quá trình đăng kiểm, mỗi đăng kiểm viên đều có con dấu riêng và chịu trách nhiệm với việc đăng kiểm của mình. Trong các bước đăng kiểm thì việc kiểm tra lắp ráp (gồm kiểm tra lắp ráp khung xương, kiểm tra lắp ráp ván vỏ), kiểm tra lắp ráp máy, kiểm tra tàu trước khi hạ thủy, chạy thử, nghiệm thu là quan trọng nhất. Từ năm 20014 đến nay, có một trường hợp ở huyện Phú Vang sử dụng máy không phù hợp và lúc đăng kiểm chúng tôi buộc họ phải thay đổi, còn lại thì chưa xảy ra trường hợp nào đáng tiếc”, ông Hải cho hay.

Ông Hải cho biết thêm: “Ngư dân vẫn ưa chuộng vật liệu gỗ truyền thống. Về nguyên tắc, gỗ nhóm 2, 3, 4 đều được phép sử dụng đóng tàu. Trước đây, ngư dân hay dùng gỗ kiền, nhưng bây giờ sử dụng gỗ nhập khẩu thì việc phân định nhóm gỗ khá khó khăn. Thông thường, khi nhập khẩu cơ quan chức năng sẽ kiểm tra và xác định nguồn gốc gỗ”.

Ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, gỗ đóng tàu được nhập khẩu từ nước ngoài không thể phân loại theo cách của Việt Nam. Tại Thừa Thiên Huế, việc đóng tàu hiện sử sử dụng gỗ nhập khẩu khá phổ biến. Qua kiểm tra, các loại gỗ đó đảm bảo được chất lượng.

Đối với các loại tàu cá ĐBXB khi cải hoán, sửa chữa cũng phải tuân thủ theo đúng các quy trình. Hàng năm đều phải được kiểm tra về an toàn kỹ thuật.

“Tàu cá đã được cơ quan đăng kiểm kiểm tra an toàn và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật thì hàng năm vẫn phải kiểm tra lại. Việc gia hạn đăng kiểm sẽ không quá 1 năm. Nếu trường hợp tàu quá yếu thì gia hạn đăng kiểm không quá 6 tháng”, ông Hải khẳng định.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh có 4 cơ sở đóng tàu ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, dù đóng tàu bằng gỗ hay vật liệu gì thì chất lượng cũng phải được đảm bảo. Tàu được đóng xong, trước khi hạ thủy sẽ có cơ quan chức năng kiểm định chất lượng. Ngoài vật liệu bằng gỗ, trên địa bàn tỉnh có 2 tàu vỏ thép đã đi vào hoạt động, 2 tàu đang đóng mới; ngoài ra cũng đã hoàn thiện hồ sơ đóng mới 1 chiếc tàu bằng vật liệu compusite ở huyện Phú Lộc.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Return to top