ClockThứ Hai, 07/11/2022 06:30

Giữ chân nhân lực

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học cần thực hiện một cách cấp bách.

Ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn diễn ra trong bối cảnh, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì có một người ra khỏi ngành, với nhiều nguyên nhân như hợp đồng quá lâu nhưng không được vào biên chế; áp lực công việc tăng, yêu cầu đổi mới giáo dục cao nhưng lương bổng thấp, không đủ sống; môi trường làm việc thiếu thân thiện, chưa đảm bảo công bằng trong nhìn nhận, đánh giá năng lực…

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ngành giáo dục đang kiến nghị Trung ương tăng chỉ tiêu biên chế. Tuyển dụng mới là yêu cầu tất yếu để bù khoảng trống đang thiếu, nhưng vấn đề mấu chốt là làm sao để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, yên tâm gắn bó với ghề, gắn bó với trường lớp. 

Tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho đội ngũ giáo viên, như ý kiến của người đứng đầu ngành giáo dục, là yêu cầu cấp bách. Nhưng việc tăng lương rõ ràng không thể giải quyết một sớm một chiều khi giáo viên đang chiếm gần 70% tổng số công chức, viên chức cả nước.

Bài toán giữ chân nhân lực trong ngành giáo dục e rằng khó hiệu quả nếu chính sách được rải mành mành như tăng lương đại trà. Phải bắt đầu bằng những ưu đãi đặc thù, cho những vùng đặc thù như vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó là cần sự tổng rà soát, để khắc phục những bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực, để việc sử dụng nguồn lao động trong ngành giáo dục không chồng chéo, gây lãng phí nhưng thiếu hiệu quả.

Mới đây, trong một phóng sự ngắn về các giáo viên nam đứng lớp mầm non ở một tỉnh ở Tây Bắc xa xôi, chứng kiến điều kiện ăn ở, trường lớp thiếu thốn, người xem không thể cầm được nước mắt, trước cảnh các thầy giáo trẻ xa gia đình, chăm sóc các em nhỏ vùng cao trong điều kiện hết sức khó khăn.

Không chỉ ngành giáo dục, theo thống kê sơ bộ từ một số bộ, ngành và địa phương, hiện tượng công chức, viên chức cả nước nghỉ việc có dấu hiệu tăng đột biến, trong đó lĩnh vực y tế đã có gần 10.000 nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6 năm 2022. Tại TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, ghi nhận gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, là mức cao nhất trong 7 năm gần đây.

Cũng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn ngày 4/11, vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức… là những vấn đề làm “nóng” nghị trường. 

Bên cạnh chế độ chính sách thỏa đáng, việc công khai, minh bạch, công bằng trong tuyển dụng viên chức, công chức; tạo môi trường làm việc thân thiện, đúng chuyên môn, sở trường; được quan tâm đào tạo, bồi đưỡng chuyên môn nghiệp vụ; được đánh giá, ghi nhận, cất nhắc đúng năng lực… chính là giải pháp mấu chốt để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc, sáng tạo, cống hiến. 

NHẬT NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy nhân lực, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, không phải tài nguyên tự nhiên, đất đai mà là con người với chất xám và khả năng sáng tạo mới chính là tài nguyên quý giá nhất. Đặc biệt, để trở thành trung tâm khoa học công nghệ (KHCN) lớn của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, việc đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nguồn nhân lực lại càng cấp thiết.

Phát huy nhân lực, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ

TIN MỚI

Return to top