ClockThứ Sáu, 24/06/2022 07:17

Hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững

Trong những ngày qua, câu chuyện ùn ứ rác thải sinh hoạt ở Hà Nội “nóng” trở lại. Điều này không chỉ lặp đi lặp lại với Hà Nội mà nhiều địa phương trong cả nước đang đối diện, bởi lượng rác thải sinh hoạt thải ra hàng ngày không ngừng gia tăng và chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp, thậm chí thải thẳng ra sông ngòi, bãi biển, vừa tạo áp lực cho môi trường vừa lãng phí nguồn tài nguyên.

Rác do con người thải ra trong sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ là gánh nặng, thậm chí là vấn nạn với một địa phương, mà trở thành vấn đề nhức nhối toàn cầu, gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống của con người. Nếu không có giải pháp ngăn chặn quy mô quốc gia và quốc tế, theo ước tính của Liên Hợp quốc, đến năm 2030, chỉ tính riêng ngoài biển lượng rác thải nhựa, sắt thép, vật liệu xây dựng sẽ nhiều hơn lượng cá đang bơi. Với Thừa Thiên Huế, chỉ tính riêng thành phố Huế và các huyện, thị xã lân cận mỗi ngày phát sinh khoảng 400 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ.

Xử lý rác thải cũng là câu chuyện được đặt ra từ lâu, nhưng mới chủ yếu sử dụng phương pháp chôn lấp vừa không đảm bảo vệ sinh, sử dụng quỹ đất lớn vừa lãng phí một tài nguyên lớn chưa được đánh giá đúng tiềm năng là rác thải.

Rác thải là một tài nguyên. Đó là điều đã được nhận diện, đánh giá đúng và bước đầu được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đưa vào khung chương trình phát triển quốc gia. Đầu tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái  đã ký ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Điểm nổi bật của đề án là phấn đấu đến năm 2025, 85% rác thải nhựa phát sinh được tái sử dụng và xử lý, giảm thải 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Đề án xác định mục tiêu cụ thể là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0"  vào năm 2050.

Trong đề án này, mô hình kinh tế tuần hoàn được xem là “chìa khóa” để giải bài toán rác thải nhựa một cách hiệu quả, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Kinh tế tuần hoàn cũng có nghĩa là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế.

Hướng đi này được Thừa Thiên Huế tiếp cận từ khá sớm, với nhiều hoạt động sôi nổi, hiệu quả trong việc thu gom rác thải. Cuối năm 2021, dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức WWF - Na Uy tài trợ thông qua WWF - Việt Nam được khởi động, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình, hoạt động về phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa. Mục tiêu đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi. Đề án “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng” là phong trào có sức lan tỏa, đem lại những kết quả ấn tượng, cần tiếp tục được nhân rộng.

Để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, cần sự thay đổi toàn diện từ nhận thức đến phương thức tiêu thụ, cách thức quản lý và quy trình thu gom, tái chế phù hợp, hiệu quả. Đây là câu chuyện dài, cần sự chuyển động đồng bộ, nhưng trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý, bộ tiêu chí nhận diện để đánh giá và chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Hướng đến nền y tế hiện đại, tăng sự hài lòng của người dân

Trong xu thế đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở Y tế đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành y tế thông minh (YTTM) nhằm phục vụ cho việc hoạch định chính sách, quản lý điều hành, phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế đã trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế về vấn đề này.

Hướng đến nền y tế hiện đại, tăng sự hài lòng của người dân
Return to top