Tại diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” vừa diễn ra, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông tin: Mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm hơn 20% tổng dư nợ; tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 60% DNVVN chưa tiếp cận được nguồn vốn. Như vậy là có sự “bất đồng ” giữa ngân hàng và DN?
Ở đây trách nhiệm thuộc về cả “ba nhà”: Thứ nhất là Nhà nước với nhiều bộ, ngành liên quan; thứ hai là nhà băng (ngân hàng) và thứ ba là nhà DN. Trong mối quan hệ giữa ngân hàng với các DN lớn với các khoản tín dụng lớn vẫn là đối tượng ưu tiên của các ngân hàng vì chi phí cho vay thấp, nguồn vốn cho vay hiệu quả hơn và hiện còn thờ ơ, chưa bình đẳng trong quan hệ đối với các DNVVN.
Nhà nước tuy đã có những chính sách hỗ trợ DNVVN song vẫn còn nhiều khuôn khổ pháp luật và các thiết chế về quyền sử dụng đất chưa thực sự mở. Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, phần lớn báo cáo tài chính của DNVVN chưa minh bạch, chưa có phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả, thiếu tài sản đảm bảo... trong khi đây lại là những điều kiện tiên quyết họ có “bắt tay” được với ngân hàng hay không.
Để tạo hành lang mở và giải tỏa được những “bất đồng” nêu trên, bản thân các DNVVN trước tiên phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng (TCTD); tham gia hoạt động SXKD theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các TCTD kiểm soát. Đây là điều kiện để các DNVVN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn. Mặt khác, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cần kiến nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện các văn bản (nghị định, thông tư) hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNVVN được triển khai đồng bộ.
Trong mối tương quan này, để tạo thêm trợ lực và sự tự tin cho các DNNVN, việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNVVN quy định tại Luật hỗ trợ DNVVN; phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi DN tiếp cận vay vốn ngân hàng nhằm phát triển SXKD là điều mà các địa phương cần phải làm một cách thực chất và có hiệu quả hơn. Lâu nay, chúng ta vẫn nghe đến các chương trình này song có vẻ như việc đánh giá tác động của các chương trình này chưa được đặt ra một cách thấu đáo.
Ở nhiều địa phương, mà Thừa Thiên Huế là một ví dụ, các chương trình đối thoại, gặp gỡ và đồng hành với các DN đã được triển khai; nhiều ý kiến, ý tưởng, kiến nghị, đề xuất đã được trao đổi và lắng nghe để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo được sự quan tâm cũng như đồng thuận từ phía các DN nói chung; trong đó có các DNVVN và thực sự đã tạo được những cú hích cho các DN này. Theo chúng tôi, đây là một kênh thông tin quan trọng giữa “ba nhà” để hỗ trợ và hướng đến mục đích chung là cùng nhau phát triển.
Bạch Quang