Huế khởi sắc và đẹp lên từng ngày
Nhiều dấu ấn quan trọng
5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế nỗ lực phấn đấu, đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tập trung lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu lực quản lý, điều hành UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án trên các lĩnh vực.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thừa Thiên Huế kiên trì mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Kinh tế có mức tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước và một số tỉnh miền Trung. So với năm 2015, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng gấp 1,6 lần; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân gần 8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.169 USD, đứng thứ 3 ở vùng Duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 105.180 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 11%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 4%/năm.
Lĩnh vực dịch vụ của tỉnh phát triển đa dạng, chiếm 48% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị thế là trung tâm du lịch lớn, đặc sắc của quốc gia và quốc tế. Trong 5 năm, Thừa Thiên Huế thu hút 63 dự án dịch vụ, du lịch với tổng vốn đầu tư 76.700 tỷ đồng; thu hút 149 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 103.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh hiện chiếm 11% trong GRDP, bước đầu hình thành các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2020, tỉnh dự kiến có 62 trong tổng số 97 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 64%; có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, kinh tế biển và đầm phá gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo được chú trọng. Hạ tầng cảng biển, cảng cá, các tuyến đường, các khu du lịch ven biển, đầm phá được quan tâm đầu tư, khai thác hiệu quả...
Thành công từ sự kế thừa và phát huy
Công nhân đang làm việc tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô
Có thể khẳng định, dấu ấn và sự thành công trong lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội của Đảng bộ tỉnh là từ sự quyết tâm chính trị của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong triển khai thực hiện đổi mới có hiệu quả tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh đã phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội; đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các thành phần kinh tế; phát huy dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng và Nhân dân phát hiện, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền để xác minh, xử lý những hành vi tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020 là kết quả của nhiều nhiệm kỳ trước và các thế hệ lãnh đạo tỉnh
Mục tiêu của nhiệm kỳ tới là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được, sự kế thừa và tiếp nối truyền thống của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Thừa Thiên Huế sẽ sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Bài, ảnh: Thanh Tâm