ClockThứ Hai, 24/07/2017 06:16

Khai thác cát sạn trên sông Hương: Không ổn

TTH - Nếu dòng sông bị sạt lở, các di tích, danh thắng bị đe dọa, hoặc nghiêm trọng hơn là bị ''nuốt chửng'' trong dòng nước, thì di họa cả trên mặt vật chất lẫn tinh thần có lẽ không cần nói ai cũng có thể hiểu được.

Mới hơn 7h sáng, sà lan đã hút sắp đầy cát

Lộ mặt

Cơ quan tôi vừa tổ chức sự kiện kết nghĩa, khách phương xa đến, chúng tôi quyết định bố trí ăn ở tại một resort ở Thủy Biều, vừa để ủng hộ doanh nghiệp du lịch mới, vừa để tạo ấn tượng lạ và khoe cho khách "biết thế nào" là thương hiệu vườn Huế, thanh trà Huế. Chỗ resort chúng tôi chọn khá xa trung tâm thành phố, cảnh quan thì khỏi nói, riêng sự yên tĩnh thì cực kỳ, chúng tôi yên tâm rằng khách sẽ có một đêm ngon giấc.

Sáng ra, đến đón khách. Không dè, một người trong số họ bộc trực: "Chả biết tiếng máy gì, cứ phành phạch suốt đêm, ngủ không được...". Đến khi xuống thuyền xuôi về trung tâm thành phố, chạy một quãng thì phát hiện thủ phạm: sà lan và thuyền "tranh thủ" hút cát. Chẳng trách!

Nhà tôi ở khu vực đồi Quảng Tế, không xa nhưng cũng không gần sông Hương. Vậy mà hàng đêm, giữa trời khuya thanh vắng vẫn nghe tiếng máy khai thác cát sạn đều đều dội về, lúc khoan lúc nhặt. Lúc đầu cứ ngỡ tiếng xe công nông, nhưng sau nghĩ lại, xe công nông đã bị cấm từ lâu, mà có không cấm cũng đâu chạy hoài ban đêm, và chạy thì phải nghe tiếng máy xa dần, đâu cứ đứng một chỗ. Hay là tiếng máy hút cát sạn? Nhưng tỉnh đã có lệnh cấm khai thác vào ban đêm kia mà... Bây giờ thì đã rõ.

Đích thị là máy hút cát sạn hoạt động thâu đêm, bất chấp các chỉ thị, quy định của UBND tỉnh đã quy định thời gian hoạt động khai thác chỉ được tiến hành từ 6h sáng đến 17h chiều mỗi ngày! Bởi nếu không hoạt động thâu đêm, tại sao khi mới khoảng 7h30 sáng-thời điểm chúng tôi có mặt tại điểm khai thác, có rất nhiều thuyền đã chứa đầy sản phẩm, kể cả những chiếc sà lan sức chứa đến cả trăm mét khối có chiếc gần đầy, có chiếc đã xuôi dòng chở sản phẩm về nơi tập kết!

"Phá sản"

Điều làm chúng tôi khó hiểu nữa là lục tìm khắp các văn bản, quyết định, chỉ thị... liên quan đến quản lý việc khai thác cát sỏi lòng sông, điểm khai thác chúng tôi bắt gặp ở Thủy Biều hình như không nằm trong quy hoạch được chuẩn duyệt. Bởi theo quy hoạch ranh giới các khu vực được khai thác quy định tại Quyết định số 2839/QĐ-UBND ngày 31/12 /2014 của UBND tỉnh, trên sông Hương có 4 khu vực được khai thác thì không thấy có khu vực nào ở địa phận Thủy Biều hay Hương Hồ cả.

Độ sâu được phép khai thác cũng được quy định là dưới 2m, nhưng chưa lặn cũng đã có thể thấy vi phạm bởi những con sào dài ngoẵng lại còn được nối gấp đôi có khi được chống sâu lút cán để đè cho các ống hút "ăn hàng". Khoảng cách quy định phải cách bờ có vẻ cũng bị phớt lờ, bởi cả quần thể thuyền khai thác mà chúng tôi chứng kiến cứ lởn vởn gần như sát cạnh bờ chứ không ở  khoảng cách tối thiểu 30m như quy định. Có thể do khu vực giữa sông cát đã bị rút cạn kiệt và trở nên quá sâu, người ta chuyển đến gần bờ cho... kinh tế (?!!).

Tần suất và sản lượng khai thác đối với sông Hương cũng được UBND tỉnh quy định tại Quyết định 2839/QĐ-UBND là không được quá 50 thuyền/ngày, sức chứa bình quân mỗi thuyền không quá 15m3, nghĩa là mỗi ngày lượng cát sỏi khai thác trên sông Hương tối đa không được quá 750m3 (15m3/thuyền x 50) . Nhưng những gì chúng tôi mục kích, quy định này cầm chắc "phá sản". Bởi riêng quần cư thuyền khai thác lúc nãy đếm ra đã cả chục chiếc, thêm 3 sà lan sức chứa mỗi chiếc không phải 15m3 như quy định mà áng chừng cả trăm khối, chiếc nào cũng đã lặt lè chở sản phẩm đi giao. Chừng ấy thôi đã thấy "cô-ta" được phép khai thác trong ngày đã bị tiêu gần hết. Vậy mà trên sông Hương còn có bao nhiêu điểm khai thác như thế và bao nhiều sà lan hoạt động? Nhẩm qua cũng đã biết "phá sản" còn gì!

Cũng cần nói thêm, theo quy định, những đơn vị, cá nhân được cấp phép, bên cạnh đảm bảo độ sâu khai thác theo quy định còn phải có trách nhiệm san gạt lại lòng sông song song với khai thác. Nhưng như những gì chúng tôi tận thấy, mới "bề nổi'' đã bất ổn như thế, ''bề chìm'' có lẽ đến... thánh cũng bó tay (?!!). 

Rất nhiều ví von đã sánh sông Hương với cô gái đẹp. Ứng xử với dòng sông này cần phải hết sức nâng niu, nhẹ nhàng, lịch thiệp. Kiểu khai thác cát sạn như vẫn diễn ra lâu nay khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của một gã vũ phu đang hùng hục dày xéo thể xác người con gái kiều diễm ấy. Rất tội nghiệp và rất phản cảm.

Lại nữa, hai bên bờ sông Hương là cả quần cư những di tích, những danh thắng quan trọng của Huế. Nếu dòng sông bị sạt lở, các di tích, danh thắng bị đe dọa, hoặc nghiêm trọng hơn là bị ''nuốt chửng'' trong dòng nước, thì di họa cả trên mặt vật chất lẫn tinh thần có lẽ không cần nói ai cũng có thể hiểu được. Mà thật ra cũng không phải là ''nếu'' nữa. Đôi bờ sông Hương đã sạt lở rồi, ở nhiều điểm và có điểm đã rất nghiêm trọng như báo chí đã không ít lần phản ánh trong thời gian qua.

Để quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông, UBND tỉnh đã liên tục ban hành nhiều văn bản: Chỉ thị số 13/CT-UBNDngày 30/3/2012; Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 29/7/2013; Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 07/5/2012; Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 29/5/2012; Quyết định số 2839/QĐ-UBND ngày 31/12/2014; Chỉ thị số 66/2015/CT-UBND ngày 05/12/2015 ...

Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh: "hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông, bãi bồi trái phép vẫn còn diễn ra, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, mất an toàn trật tự, là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn đê điều, cầu cống, người và tài sản, cản trở giao thông đường thủy nội địa,...".

Chính vì vậy, mới đây, UBND tỉnh liên tục ban hành 2 văn bản: Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 25/3/2017 và Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 5/6/2017 tiếp tục tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực này.

Bài, ảnh:  Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản
Return to top