Tổng dọn vệ sinh các tuyến đường trên địa bàn TP. Huế sau lũ
Thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng
Đợt lũ ngày 9/10, ước tính có khoảng 51 ngàn hộ dân bị ngập từ 0,3-1,5m, tương đương khoảng 170 ngàn người dân bị ảnh hưởng. Thời gian ngập nước kéo dài gây hư hỏng nặng đến hệ thống đường, cầu cống trên địa bàn thành phố. Hệ thống giao thông thiệt hại khá nặng, trong đó đã ảnh hưởng đối với 446 đường/226km tuyến đường giao thông đô thị và 43 cầu. Hiện, có 49 tuyến/18km mặt đường bê tông nhựa, đá dăm nhựa bị bong lóc, hư hỏng tập trung chủ yếu ở các khu quy hoạch, như Kim Long, Hương Sơ, khu tái định cư Thượng thành ở phường Hương Sơ... Tổng kinh phí thiệt hại đường đô thị ước tính khoảng 73 tỷ đồng.
Hệ thống đường kiệt trên địa bàn thành phố cũng hư hỏng nặng; kè dọc tuyến Lý Nam Đế bị sạt lở khoảng 800m, kè sông Đông Ba dọc đường Huỳnh Thúc Kháng một số vị trí kè đã hư hỏng, bong tróc lớp vữa xây, nguy cơ gây sập đổ kè nếu không khắc phục nhanh. Hệ thống cầu trên địa bàn quản lý 43 cầu, gồm 3 cầu lớn, 32 cầu trung và 8 cầu nhỏ đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Trong đó, cầu Dã Viên, cầu Chợ Dinh bị bong lóc mặt đường trên cầu và đường dẫn vào cầu, các tấm cao su khe co giãn bị bong bật.
Sau lũ, diện tích cây nông nghiệp, cây ăn trái và hoa màu hư hỏng nặng do ngâm nước lũ nhiều ngày. Theo thống kê, toàn thành phố bị ngập úng hư hại 42 ha rau màu các loại, 9,8ha hoa sen bị trôi và hư hỏng, 10 ha thanh trà bị ngập gây ra chết cây, 5 ha hoa huệ và hoa kèn bị hư hỏng hoàn toàn, 5 ha hồ nuôi cá bị trôi... Ngoài ra, hệ thống kênh mương bị bồi lấp và hư hỏng ước khoảng 12.500m, 11 trạm bơm bị ngập nặng, ước thiệt hại về nông nghiệp trên 12 tỷ đồng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế Đồng Sỹ Toàn, hiện các địa phương đang thống kê số lượng thiệt hại do lũ trình UBND TP. Huế thực hiện hỗ trợ bà con theo Nghị định 02 của Chính phủ, đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, tích cực triển khai các giải pháp đồng hành cùng nông dân vượt qua khó khăn, quyết tâm khôi phục lại sản xuất nông nghiệp, phần nào bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra.
Khẩn trương khắc phục
Sau lũ, thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua theo “phương châm 4 tại chỗ”, trong đó tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình hạ tầng dân sinh thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Đặc biệt, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, cộng đồng không chủ quan trước tình hình thiên tai phức tạp để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Sau đợt lũ, từ ngày 12 đến 20/10, thành phố huy động toàn bộ lực lượng và Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, Trung tâm Công viên cây xanh tổng vệ sinh môi trường, nạo vét bùn các tuyến đường và dọn dẹp vệ sinh các trường học đảm bảo giao thông cho người dân và đón học sinh đến trường. Hiện, thành phố đã thu dọn, gom rác, sắp xếp các thùng rác công cộng, bố trí công nhân vệ sinh làm việc tăng ca để tổ chức tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt từ 7h đến 22h hằng ngày. Huy động các lực lượng 27 phường vớt rác, khơi thông dòng chảy tại cầu gỗ lim, cầu An Ninh Hạ, Tâm Tây và các tụ điểm rác trên sông.
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trần Song cho rằng, sau cơn bão số 5, mặc dù thiệt hại nặng nề về cây xanh, nhà cửa, cây nông nghiệp, song thành phố đã nỗ lực và khắc phục tạm ổn. Song, cơn lũ lịch sử ngày 9/10 đã gây thiệt hại lớn, đời sống người dân gặp khó khăn, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp vừa khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, cứu trợ, đồng thời vừa triển khai ứng phó với tình hình thiên tai.
Đối với hệ thống đường giao thông, thành phố lên phương án khắc phục bằng cách xử lý nền đường, vá ổ gà hoặc thi công lại mặt đường các tuyến có diện tích hư hỏng lớn, đồng thời xây dựng kè hoặc kè bằng rọ đá các vị trí hư hỏng và sạt lở. Đối với hệ thống cầu cống, các đơn vị thi công sẽ thảm lại đường hai đầu cầu và mặt cầu bị hư hỏng, thay thế khe co giãn; các mố cầu bị xói lở hư hỏng, dầm cầu bong bật như cầu Thanh Long, cầu Ông Thượng…
Để khắc phục hậu quả lũ lụt, thành phố kiến nghị tỉnh nhanh chóng bố trí kinh phí để khắc phục các hư hỏng còn lại cho hệ thống giao thông do tỉnh phân cấp thành phố quản lý với hệ thống đường đô thị khoảng 74 tỷ đồng, hệ thống 333 đường kiệt gần 7,6 tỷ đồng...
Bài, ảnh: Thanh Hương