ClockThứ Tư, 24/08/2022 06:56

“Khéo mất cả chì lẫn chài…”

“Tụi em ra Huế, rồi lên Bạch Mã nhen chị?”. Câu hỏi của bạn “nhẹ hều” mà tôi nghe có phần bối rối. Thực ra là chúng tôi đã hẹn hò rất nhiều lần về một tour trải nghiệm dưới tán rừng nguyên sinh, ở độ cao 1.444m so với mực nước biển. Cơ hội này cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được vì dịch bệnh. Năm 2022 này tưởng như có thể tổ chức, nhưng con đường độc đạo lên Bạch Mã vẫn đang trong thời kỳ sửa chữa do bị sạt lở nghiêm trọng vào cuối tháng 10 năm ngoái…

Ít nhất thì trong tâm trí của bạn bè tôi cũng như rất nhiều người nữa, Bạch Mã vẫn đẹp trong vẻ đẹp thuần thiên nhiên và ít bị tác động bởi sự can thiệp của con người. Chúng tôi vẫn thường nói với bạn bè, đồng nghiệp về “của để dành” của Huế và không chỉ của Huế, về sự kiên trì mà Huế đang theo đuổi để giữ cho được một hệ sinh thái đa dạng, một hệ tài nguyên sinh học phong phú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm và đặc trưng với diện tích gần 37.500ha…

Thực ra mà nói thì chúng tôi vẫn lấy làm tiếc vì hạ tầng để phục vụ cho những chuyến trải nghiệm ở Bạch Mã chưa đầy đủ. Tiếc vì không nhiều biệt thự cổ có từ thời Pháp được cứu vãn. Tiếc vì một nơi chốn tuyệt vời đến như thế nhưng vẫn chưa tiếp cận được nhiều người.

Nhưng câu chuyện về “của để dành” chắc chắn là còn dài lâu, trong một hành trình hướng tới tương lai, và nhiều hơn là để bền vững cho tương lai. Tôi trở lại điều này vì những thông tin mà mình tiếp nhận được từ một hội nghị về thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các vườn quốc gia, do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT tổ chức tại Ninh Bình. Việc khai thác du lịch sinh thái rừng để phát triển bền vững cũng là một trong những điều được xới xáo tại diễn đàn này. Một số ý kiến cho rằng, phí tham quan và kinh doanh dịch vụ du lịch trong những điều kiện được cho phép, cũng là cơ hội để tăng nguồn thu, giúp các vườn quốc gia có thể tự chủ được tài chính, cho dù cần phải có một sự đánh giá, tổng kết cách làm này để có một hướng đi trong việc tổ chức du lịch sinh thái có trách nhiệm, an toàn đối với tài nguyên thiên nhiên. 42,7 tỷ đồng là doanh thu từ 6 vườn quốc gia bao gồm Cúc Phương, Ba Vì, Tam Đảo, Bạch Mã, Cát Tiên và Yok Đôn trong năm 2019 – thời điểm trước dịch COVID-19. 19,5 tỷ đồng là doanh thu ở khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2022 vừa qua.

Trong góc nhìn của chúng tôi, đây chưa phải là một con số lý tưởng nếu so với tài nguyên và vùng đa dạng sinh học của các vườn quốc gia. Tuy nhiên như chúng tôi đã đề cập ở phần trên, mục tiêu lớn hơn vẫn là bảo tồn và hướng đến phát triển bền vững. Do đó, mọi hoạt động đều phải hướng đến điều này như một chuẩn mực, chứ không phải nằm ở con số doanh thu của từng năm.

Dựa trên các đánh giá và khuyến nghị từ thực tế về khai thác du lịch sinh thái rừng chia sẻ về điều này, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần phải thống nhất một quan điểm, các vườn quốc gia đừng bao giờ đề xuất việc chuyển rừng sang cho tổ chức bên ngoài để người ta làm du lịch sinh thái nữa. Vì theo ông, như thế sẽ mất cả chì lẫn chài!

Có lẽ, câu chuyện về bảo tồn bền vững các vườn quốc gia và việc khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm hẳn còn là câu chuyện dài. Nó sẽ thực sự hiệu quả khi và chỉ khi có một phương thức thật sự tốt trong quản lý và sự chừng mực đối với lượng du khách có trách nhiệm.

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dân vận khéo ở Quảng Phú

Thành lập 10 tổ hòa giải ở cơ sở và xây dựng khu dân cư bảo vệ môi trường là hai mô hình “Dân vận khéo” ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) được Ban Dân vận Huyện ủy, Tỉnh ủy đánh giá cao.

Dân vận khéo ở Quảng Phú
Return to top