Sau hơn 1 tháng triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, đến thời điểm này của giai đoạn 2, Thừa Thiên Huế chưa có trường hợp lây nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng.
Cơ quan chức năng cấp thẻ vào địa bàn trả hàng hóa cho các lái xe
Siết chặt “hệ thống phòng thủ”
Không ít lần trong đêm, tôi được điều động đưa tin lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thành lập các chốt kiểm soát y tế; thăm, động viên lực lượng làm nhiệm vụ.
Có những lần từ tờ mờ sáng, kiểm tra công tác phòng chống dịch để đảm bảo chốt chặn được duy trì 24/24, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh (gọi tắt BCĐ) Phan Ngọc Thọ di chuyển như con thoi. Hết họp BCĐ xong, ông lại có mặt ở tuyến đầu kiểm tra công tác phòng chống dịch. Sự hoạt động tích cực và hiệu quả của BCĐ - “Sở chỉ huy tiền phương” trong công tác phòng chống dịch - được coi là yếu tố tiên quyết trong ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập địa bàn.
Ở giai đoạn thứ 2, tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, số tỉnh, thành phố có ca mắc trong cộng đồng tăng lên, trong đó có các ổ dịch ở vùng giáp ranh Đà Nẵng và Quảng Trị.
Để giữ địa bàn an toàn, phát huy kết quả của giai đoạn 1, BCĐ tiếp tục triển khai các cuộc họp hằng ngày, chỉ đạo tăng tốc việc truy vết, xác minh, xét nghiệm sớm, sàng lọc tất cả cho các trường hợp đến, lưu trú tại địa phương có dịch bệnh phát hiện trong cộng đồng từ ngày 10/7/2020 đến nay đã trở về địa phương.
Trong điều kiện nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn rất cao, để thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục kích hoạt “hệ thống phòng thủ” với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân, thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh một cách quyết liệt, đồng bộ.
Sự đồng lòng của người dân
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập địa bàn, BCĐ kiên định 5 nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Những nguyên tắc này được điều hành thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng thông tin, ngành y tế luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; đảm bảo việc duy trì năng lực và sự sẵn sàng đáp ứng của hệ thống y tế với các tình huống mới của dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn quy trình chuẩn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bệnh xảy ra trong thời gian tiếp theo.
Theo Trưởng BCĐ Phan Ngọc Thọ, sau hơn 1 tháng phòng, chống dịch cho thấy, tỉnh chỉ đạo các lực lượng rất chủ động và luôn làm sớm hơn với các giải pháp cao hơn so với khuyến cáo của BCĐ Trung ương, của Bộ Y tế. “Chúng tôi luôn lường tình huống xấu hơn để không xấu đi và tình huống xấu nhất để không bao giờ xảy ra. Tỉnh cũng đã xây dựng đầy đủ các kịch bản ứng phó, kể cả tình huống có ca bệnh trên địa bàn, thực hiện "ôn bài" nhuần nhuyễn. Tất cả các diễn biến dịch bệnh trong tỉnh đều đã được dự liệu và có phương án phù hợp”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Một trong những yếu tố quyết định đến thành công của phòng dịch chính là cơ chế phòng chống với nguyên tắc “4 tại chỗ”- lấy phòng ngừa làm chính, lấy người dân làm trung tâm trong phòng, chống dịch được vận hành rất tốt.
“Khóa” nguồn lây
Thời gian tới, BCĐ tiếp tục triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng, đặc biệt là các địa điểm xung yếu như bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung các nhóm yếu thế… đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác truyền thông để khuyến cáo, cảnh báo người dân về các nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; lên án những hành vi không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông đa hình thức về kiến thức, quy trình về phòng, chống dịch cho người dân như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, hạn chế đi đến nơi đông người, đến các địa phương đang có dịch trong cộng đồng để giảm nguy cơ lây nhiễm.
“Mục tiêu cao nhất đặt ra là dứt khoát không để xuất hiện dịch bệnh và tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh; bảo vệ tuyệt đối an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân. Đồng thời bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, ổn định đời sống Nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
BCĐ chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học "Xây dựng Bộ quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh" trên cơ sở kinh nghiệm và thực tiễn chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh rà soát các đơn vị, lĩnh vực theo chức năng và thẩm quyền quản lý để tham mưu BCĐ ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi các “Bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19”. Trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành sổ tay phòng chống dịch trong trường học khi năm học mới đến.
Bài, ảnh: Bình Minh