ClockThứ Sáu, 01/04/2022 14:02

Không thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật

TTH - Hiện nay chỉ cần có một điện thoại thông minh, một mạng di động là đã có thể truy cập vào mạng xã hội để giao lưu, khai thác đủ mọi thông tin. Lợi dụng điều kiện đó, những kẻ tâm địa không trong sáng, thiếu ‎ý thức, không tôn trọng pháp luật đã chuyển tải những nội dung trái thuần phong, mỹ tục, thiếu tôn trọng quyền lợi của Nhà nước và Nhân dân.

Công an TP. Hồ Chí Minh đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: chinhphu.vn

1. Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam (Bình Dương) vì có hành vi: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Chỉ trong hơn 1 năm, bà này đã thông qua 12 tài khoản trên mạng xã hội để phát ngôn trực tiếp, đưa những thông tin thiếu kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Dù đã được các cơ quan chức năng nhiều lần mời làm việc, nhắc nhở, khuyến cáo nhưng không chấp hành, tỏ thái độ thách thức, xem thường dư luận và pháp luật. Chưa nói đến nội dung vi phạm nhưng với những từ ngữ tục tĩu, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của người khác đã là vi phạm pháp luật. Khởi tố điều tra, tạm giam với Nguyễn Phương Hằng là chính xác, đúng pháp luật.

Thế nhưng, sau khi Hằng bị bắt, các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự việc để xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước. Các nhóm Việt Tân, Hội anh em dân chủ, các hãng truyền thông RFA, RFI, VOA... đã đưa ra những bài viết, hình ảnh viện dẫn tài liệu sai sự thật. Chúng cho rằng, khởi tố bà Hằng theo điều 331 Bộ luật Hình sự là sai trái, tùy tiện và bình luận lố bịch: “Ở Việt Nam luật không tồn tại”, “quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận bị bóp nghẹt”, “doanh nhân đối đầu với thế lực chính trị như “trứng chọi với đá”. Trắng trợn hơn, chúng còn cổ súy, xúi giục, ca ngợi, tán dương các hành vi phản kháng nhằm gây tổn hại truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục và cổ súy “tự do ngôn luận vô hạn”...

Ở Việt Nam đã có hàng chục triệu người có tài khoản cá nhân trên mạng xã hội. Đó là xu thế tất yếu về nhu cầu thông tin. Tuy nhiên có không ít cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để đưa quan điểm cá nhân sai trái, vi phạm luật. Nhà nước và pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ ý kiến, biểu đạt nguyện vọng cá nhân trên tinh thần tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống và thượng tôn pháp luật. Những cá nhân lợi dụng mạng xã hội với mục đích xấu, động cơ cá nhân, lợi dụng tự do ngôn luận để xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và Nhân dân cần phải lên án, vạch mặt. Các phần tử chống đối lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước, phá rối xã hội phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

2. Về vấn đề tự do ngôn luận, năm 1918, trong “Bản yêu sách của Nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị các nước Đồng minh, Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc nêu “quyền tự do ngôn luận” là 1 trong 8 điều của yêu sách.

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thừa nhận trong Điều 10 về quyền tự do ngôn luận và được tiếp tục khẳng định tại Điều 25 Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Trong “Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền” và “Luật Nhân quyền” của Liên Hợp quốc đã chỉ rõ: Quyền tự do ngôn luận có thể không được nhìn nhận là quyền tuyệt đối. Những hạn chế liên quan đến hành động phỉ báng, vu khống, tục tĩu, xúi giục, kích động, ngôn từ gây hấn, vi phạm quyền riêng tư, an ninh cá nhân... không được xem là hợp pháp và được chế tài xử lý ở từng Nhà nước.

Mặc dù công nhận quyền tự do ngôn luận, nhưng không quốc gia nào xem đó là tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ, dẫn đến rối loạn, khó kiểm soát. Là đất nước được mệnh danh là “tự do cao nhất” nhưng luật hình sự của Mỹ cũng có những điều cấm xúc phạm người khác hoặc phát ngôn cổ vũ cho “hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt chính quyền”.

Ở Đức, Luật An ninh mạng năm 2015 và Luật Quản lý mạng xã hội 2018 quy định xử phạt lên đến 50 triệu EUR nếu người dùng lăng mạ, gây thù oán, tán phát tin tức giả mạo. Ở nhiều nước trên thế giới, quy định tự do ngôn luận phải phù hợp với tình hình, điều kiện, lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, không được lợi dụng để xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tự do ngôn luận là quyền của con người, quyền được phát ngôn không phương hại đến quyền của người khác. Những hành vi gian trá mang tính vu khống, có tính chất gây hấn, phá rối là do nhận thức chưa đầy đủ, xem tự do ngôn luận tuyệt đối là nhầm lẫn giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Những trường hợp bị xử l‎ý‎ gần đây như Nguyễn Hữu Châu Danh, Dũng Vô Va, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương... đều được khuyến khích, cổ vũ, cung cấp kinh phí bởi các tổ chức chống đối bên ngoài nhằm chống phá Nhà nước.

 Nhà nước Việt Nam tôn trọng và thực hiện quyền tự do ngôn luận của người dân, nhưng phải trên cơ sở kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật. Những hành vi lợi dụng quyền này làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc đều phải xử lý theo pháp luật. Luật An ninh mạng năm 2018 quy định 6 hành vi bị cấm, trong đó có nội dung: “Cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn trong công dân, gây tổn hại cho các hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của người thực hiện công vụ, hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Những hành vi phát ngôn tùy tiện, lệch chuẩn, thiếu ‎ý thức xây dựng, đi ngược lại đường lối của Đảng và quyền lợi của Nhân dân phải được phát hiện, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Mỗi người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, nhận diện thủ đoạn lợi dụng quyền tự do ngôn luận của các thế lực phản động, cơ hội chính trị nhằm gây rối trật tự xã hội, chống phá đất nước. Cần có tiếng nói cảnh tỉnh những người thiếu hiểu biết, phát ngôn không chuẩn mực trên phương tiện thông tin, mạng xã hội.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top