Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
Chưa đầy 10 năm, chúng ta đã 2 lần được bầu vào tổ chức nhân quyền quốc tế. Lần này Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của các nước ASEAN, của quốc gia của châu Á - Thái Bình Dương trong Cộng đồng Pháp ngữ và là 1 trong 6 ứng cử viên của khu vực này. Kết quả đó cho thấy, cộng đồng quốc tế đã đánh giá và nhìn nhận rõ những đóng góp tích cực của Việt Nam trong hoạt động của tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới.
Trong lần thứ nhất tham gia, Việt Nam đã chứng minh được những kiến nghị có ý nghĩa thiết thực về an ninh con người, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, đối phó với biến đổi khí hậu. Ngay sau khi được bầu lần này, nhiều chính khách, những nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế chúc mừng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế ở nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề nhân quyền.
Ngày 13/10/2022, trong buổi tiếp Trưởng đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Guterres đã nhấn mạnh: “ Việt Nam là đối tác quan trọng của Liên Hợp Quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả”.
Trong cuộc họp báo chiều 12/10/2022, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Kriten Brink đang ở thăm Việt Nam đã “chúc mừng Việt Nam” và hy vọng sẽ có sự hợp tác hiệu quả thúc đẩy vấn đề nhân quyền. Dịp này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Knapper cũng đánh giá Việt Nam đã có những bước đi “đảm bảo quyền của người dân” trên một số lĩnh vực đáng quan tâm.
Ông Archambault, nguyên Tổng Thư ký Hội hữu nghị Pháp –Việt cho rằng: “Đảm bảo tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Những kết quả trong lĩnh vực đảm bảo quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”… Những ghi nhận của cộng đồng quốc tế không chỉ với những thành tựu đảm bảo nhân quyền, mà còn chứng minh vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Nhân quyền trong một xã hội thể hiện qua những sự kiện, vấn đề liên quan đến chủ thể là con người. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn phấn đấu để tự do, dân chủ, nhân quyền ngày càng hoàn thiện; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Điều 14 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Nguyên tắc hoạt động của Nhà nước là lấy người dân làm trung tâm, vì dân phục vụ, phát huy những quyền cơ bản của con người. Sự nghiệp đổi mới đem đến nhiều thành tựu về vật chất, tinh thần chính là nguồn lực to lớn có điều kiện cho chăm lo quyền con người đầy đủ nhất. Ngay trong đại dịch COVID-19, Nhà nước đã kịp thời hành động trong phòng, chống dịch, chăm lo sức khỏe, đời sống của toàn dân với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Hàng trăm triệu liều vắc-xin được mua; hàng triệu người mắc bệnh được cách ly, chữa bệnh miễn phí; hàng chục ngàn tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ cho an sinh xã hội... là những nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong điều kiện đang còn nhiều khó khăn.
Những hành động kịp thời, hiệu quả đó đã giúp người dân quyền được hưởng chăm sóc y tế, quyền sống, quyền sinh kế trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta cam kết trước cộng đồng quốc tế về chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam lấy con người là vị trí trung tâm, đảm bảo người dân được chia sẻ, hưởng thụ và phát triển toàn diện. Tiếp tục khẳng định và chứng minh tính ưu việt của chế độ xã hội mà người dân được sống trong một đất nước hòa bình, hạnh phúc, từng bước vươn lên giàu mạnh. Đó chính là những giá trị cao nhất về nhân quyền, không thế lực chống đối nào có thể xuyên tạc, phủ nhận được sự thật.
Với số phiếu được bầu cao là sự đánh giá, tín nhiệm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế về nhân quyền của Việt Nam. Mặc dù các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, nhưng chúng vẫn không thể ngăn cản chúng ta được bầu vào Hội đồng Nhân quyền quốc tế. Phải chăng đó là cái tát đích đáng vào các tổ chức lợi dụng nhân quyền để chống phá.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH