ClockThứ Bảy, 22/10/2022 07:18

“Việt Nam tự hào về nỗ lực thực hiện các sứ mệnh cao cả của LHQ”

Chủ tịch nước nhấn mạnh hợp tác với Liên Hiệp Quốc (LHQ) giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam.

“Cam kết chính trị bền vững” vì một thế giới khỏe mạnh hơnĐiều phối viên LHQ: Góp phần hướng tới một Việt Nam ngày càng tự cườngLiên Hiệp Quốc kêu gọi đầu tư vào du lịch sạch, bền vững

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: TTXVN)

Chiều tối 21/10, tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres tại Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chủ trì Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977-20/9/2022).

Buổi lễ diễn ra trọng thể với sự tham dự của đông đảo Đại sứ, đại diện đoàn ngoại giao, Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Việt Nam cùng đại diện nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia đã tham gia đóng góp cho quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc trong suốt 45 năm qua.

Phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc là khởi đầu chặng đường lịch sử mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Chặng đường chứng kiến đất nước Việt Nam hồi sinh từ đổ nát của chiến tranh; đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có nền kinh tế năng động, đạt mức thu nhập trung bình với Chỉ số Phát triển con người (HDI) ở mức cao.

Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, chủ động hội nhập, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ tịch nước nêu rõ trong những năm tháng gian khó nhất, Liên hợp quốc là kênh viện trợ đa phương duy nhất giúp Việt Nam tái thiết hạ tầng kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống của người dân.

Khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới từ năm 1986 và trong suốt quá trình phát triển sau này, Liên hợp quốc là đối tác luôn “kề vai sát cánh," giúp đỡ Việt Nam hiệu quả về xây dựng thể chế của nền kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội, đưa hàng triệu người dân thoát nghèo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, gần đây, trong "bão xoáy COVID-19," chương trình COVAX đã hỗ trợ lượng vaccine lớn cho Việt Nam; mang đến niềm tin và chạm đến trái tim của mỗi người dân Việt Nam về một Liên hợp quốc thấm đượm giá trị nhân văn cao cả.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam tự hào về nỗ lực thực hiện các sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc. Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực trụ cột của Liên hợp quốc, thực hiện có hiệu quả nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).

Từ nước thiếu lương thực, Việt Nam ngày nay là nước xuất khẩu hàng đầu một số nông sản, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại khu vực và quốc tế. Trong khả năng của mình, Việt Nam sẵn sàng tham gia cùng Liên hợp quốc ứng phó với khủng hoảng lương thực hiện nay.

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đang tiên phong trong các nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc ở cấp quốc gia. Lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, công an nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều nữ quân nhân, đã có mặt tại các Phái bộ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và vùng Abyei.

Tại Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người. Việt Nam vừa vinh dự được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, hướng tới giảm phát thải bằng “0” vào 2050.

Chủ tịch nước kỳ vọng: “Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, là hạt nhân kết nối đoàn kết quốc tế, là đầu mối kết nối các nỗ lực đa phương giúp củng cố hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển, vì một thế giới không có chiến tranh, xung đột, bất công, nhân loại không còn đói nghèo, lạc hậu."

Chủ tịch nước nêu rõ trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam hiểu sâu sắc ý nghĩa của hòa bình và giá trị của phát triển; quyết tâm thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với khát vọng Việt Nam hùng cường, hướng tới trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Trên chặng đường đó, hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả của Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện hiệu quả những hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc, đóng góp xử lý các thách thức toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới," Chủ tịch nước nói.

Trong bài phát biểu, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ ấn tượng về hành trình phát triển của Việt Nam. Từ chỗ là quốc gia nhận viện trợ lương thực, một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị cô lập và nạn đói chực chờ, nay Việt Nam đang gửi những người lính gìn giữ hòa bình đến giúp đỡ người dân ở một số nơi trên thế giới.

Tổng Thư ký António Guterres đã điểm lại những mốc hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc với những thành tựu kinh tế-xã hội quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đặc biệt Việt Nam đã hoàn thành và trong một số trường hợp đã vượt hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Những thành quả này là minh chứng mạnh mẽ cho sự kiên cường, nỗ lực vượt khó của người Việt Nam và chính sách lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới để có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu; để không bỏ lại ai ở phía sau...

Ông António Guterres chúc mừng Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Bày tỏ quan ngại về tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Tổng Thư ký António Guterres cho rằng nếu không có hành động chung về khí hậu toàn cầu, chỉ trong thập kỷ này, hơn 1 triệu người Việt Nam có thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực. Lúc đó, thiệt hại về kinh tế của biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể tăng gấp 50 lần vào năm 2050.

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ việc đẩy nhanh giảm điện than, khởi động cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cho rằng Việt Nam cần được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và xanh hóa nền kinh tế.

Tại buổi Lễ, Tổng Thư ký António Guterres đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa Liên hợp quốc với Việt Nam trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội

Đông đảo các chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, các bạn trẻ trên địa bàn TP. Huế đã đến xem các bộ phim điện ảnh, tài liệu xoay quanh đề tài quân đội và người lính trong đợt phim Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Trình chiếu nhiều bộ phim hay về đề tài quân đội
Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm Bộ đội Biên phòng

Ngày 12/12, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024). Đến dự có Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; các ông: Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm Bộ đội Biên phòng

TIN MỚI

Return to top