“Cảm thấy kiệt sức” là hot line trong một chương trình thời sự tối của VTV, một ngày trung tuần tháng 9. Không phải là tất cả, nhưng công việc bị đứt quãng, áp lực của tài chính, những mối lo gia đình và rất nhiều những đứt gãy khác trong nhịp sống do tác động đa chiều của đại dịch COVID-19 đã trở thành áp lực quá lớn trên đôi vai những người phụ nữ. Tôi đã nghĩ rất nhiều về 4 từ này, khi trông thấy những người phụ nữ trên đường về nhà. Hành trình dài từ vùng kinh tế phía nam của họ nhiều nhất là phía sau những người lái xe máy, nhưng cũng có khi là họ tự điều khiển, có cả những người phụ nữ chấp nhận đi bộ, với chút ít gia tài đơn giản còn lại. Về được nhà là mong ước đầu tiên, nhưng có lẽ, hy vọng nung nấu vẫn là về một cuộc sống bình an, và dĩ nhiên là một công việc ổn định.
Có lẽ, những người phụ nữ ấy chỉ là một phần trong tổng số 30% số lao động nữ làm việc ở các ngành nghề dịch vụ, hoặc các nghề thuộc khu vực phi chính thức, các công việc chân tay bị ảnh hưởng sinh kế - số liệu được đưa ra tại phiên họp Nữ nghị sĩ tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á vừa qua.
Lao động trong khu vực phi chính thức chiếm hơn 57% lực lượng lao động tại Việt Nam. Nhiều người trong số họ là phụ nữ. Tổ chức ActionAid Việt Nam (Tổ chức quốc tế chống đói nghèo) cũng đồng thời đưa ra nhận định dựa trên những khảo sát mà họ thực hiện rằng, dù gói an sinh xã hội của Chính phủ đã hướng tới lao động tự do, góp phần giải quyết khó khăn cho lao động trong khu vực này nhưng phụ nữ vẫn là đối tượng bị thiệt thòi nhất từ đại dịch. Không chỉ chưa được tiếp cận đầy đủ với các gói hỗ trợ, phụ nữ còn phải chịu những tác động kép khác, bao gồm gánh nặng kiếm tiền lo cho gia đình thời giãn cách, nghĩa vụ chăm sóc chồng con, những xung đột về giới và bạo lực gia đình.
Phụ nữ đang là đối tượng chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng lần này là chia sẻ của Tiến sĩ Chang-Hee-Lee, Giám đốc Tổ chức quốc tế lao động (ILO) tại Việt Nam. Theo ông, họ không chỉ là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu mà còn chiếm số đông trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như dệt may, giúp việc gia đình, bán hàng rong... 44,1% lao động nữ làm việc ở các lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, sản xuất thương mại; bán buôn và bán lẻ, bất động sản và kinh doanh trong khi chỉ có 30,4% lao động nam đứng chân là tham số khác được đưa ra bởi người đứng đầu tổ chức ILO tại Việt Nam.
Những điều này cho thấy, bị tổn thương và chịu nhiều rủi ro nhất trong tình hình hiện nay vẫn là lao động nữ. Chính vì thế, khi đề nghị các chính sách trước mắt và lâu dài, các chuyên gia đã khuyến cáo về việc cần phải tính đến các yếu tố giới trong các phản ứng chính sách; những hỗ trợ thiết thực và cụ thể để tăng sức chống chịu, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho lao động nữ ở khu vực lao động phi chính thức. Theo cùng là những trợ lực khác cho khu vực lao động đang phải chịu tổn thương nhiều nhất này về pháp lý, về chính sách, về cơ chế, đào tạo và sự hỗ trợ đa chiều để họ có cơ hội và động lực để phục hồi sinh kế, giảm dần tổn thương đang có...
Nguyễn An Lê