Thừa Thiên Huế chưa phải đã vượt qua hết thách thức, rào cản trong việc cải thiện môi trường, giảm rác thải nhựa (RTN). Tuy nhiên, bằng các chương trình, dự án, phong trào thiết thực, sáng tạo song hành với tinh thần yêu Huế đã “ngấm” và “thấm” vào mỗi người dân, mối bận tâm về RTN sẽ không còn là vấn nạn đối với môi trường sống trong tương lai không xa.
Cùng những “lá chắn” của tỉnh, nhiều ban, ngành ở địa phương đã tạo dấu ấn mới trong phong trào “Nói không với RTN”. Phong trào này lại được tiếp thêm sức mạnh khi mới đây, TP. Huế tiếp nhận và thực hiện dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở khu vực miền Trung”, tạo thêm bệ phóng thay đổi từ tư duy đến hành động trong công cuộc chống RTN.
Cách đây hơn 8 năm, Huế đã được Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) công nhận là “Thành phố xanh Quốc gia” đầu tiên của Việt Nam. Với danh hiệu này, Huế đã được vinh danh cùng với các thành phố ở châu Á là Thâm Quyến (Trung Quốc) và TP. Singapore (Singapore). Từ thời điểm này, TP. Huế đã không ngừng nỗ lực thực hiện cam kết về giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, xây dựng Huế trở thành một đô thị xanh, sạch, sáng, không rác thải.
Trên nền tảng thương hiệu Huế có được, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã đồng hành hỗ trợ cho TP. Huế dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở khu vực miền Trung” thông qua sự tài trợ của WWF-Na Uy. Dự án đã thực hiện từ năm 2021 đến 2024 qua hai giai đoạn, với mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không RTN vào năm 2030. Cụ thể vào cuối năm 2024 sẽ giảm 30% lượng thất thoát RTN và trở thành Đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý; đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.
|
TP. Huế khởi động hoạt động phân loại rác tại nguồn và duy trì các mô hình "Biến rác thành tiền”
|
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở khu vực miền Trung” chia sẻ, trước khi TP. Huế tiếp nhận Dự án, Huế là địa phương đã có thương hiệu xanh, sạch, đẹp của quốc gia và khu vực châu Á. Thế nhưng, Huế vẫn là địa phương ưu tiên cấp bách, cần triển khai các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công - tư, các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương để hạn chế RTN đang đe dọa trên địa bàn.
|
Dự án “Huế-Đô thị giảm nhựa miền Trung” hỗ trợ phương tiện xe ép rác và các trạm cấp nước sạch miễn phí ở TP. Huế
|
Có cơ hội đồng hành với Dự án từ những ngày đầu, chúng tôi cảm nhận thực sự Dự án này như thổi thêm làn gió mới, tạo “thuyết thay đổi" làm kim chỉ nam cho việc thiết kế và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” ở địa phương. "Thuyết thay đổi" đã tập trung vào việc thay đổi tư duy, nhận thức và thái độ từ cán bộ lãnh đạo các tổ chức, đơn vị địa phương và người dân liên quan tham gia theo giả thuyết: "Nếu..., thì” và “Nếu nỗ lực thì thành công”.
|
Lan tỏa các hoạt động, phong trào giảm RTN ra môi trường ở TP. Huế
|
Nếu người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tiếp cận các thông tin về nguy hại của RTN và có cơ hội biến RTN thành tiền; nếu đội ngũ cán bộ công - tư chú trọng đồng hành, có trách nhiệm chia sẻ chuyển giao các mô hình xử lý rác thải, tạo lợi ích trong phát triển KT-XH; nếu những nút thắt, vướng mắc tồn tại trong khâu thu gom, xử lý RTN; nếu thấy mức độ môi trường xanh sạch đẹp, nhất là vùng ven biển, đầm phá, sông hồ không bị ảnh hưởng bởi RTN…; thì các động cơ thúc đẩy cộng đồng địa phương có trách nhiệm cư xử với xã hội về bảo vệ môi trường bền vững hơn, như tham gia vào các mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, RTN nhiều hơn, bao túi ni lông, chất thải từ đồ nhựa dùng một lần sẽ ít hơn, môi trường cảnh quan, đường làng ngõ xóm, khu dân cư sáng sạch hơn; kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết thắt chặt.
|
|
|
|
Anh Nguyễn Ngự Giao, chuyên viên của Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung” tại Thừa Thiên Huế diễn giải: Dự án áp dụng phương thức, vừa hỗ trợ nguồn tài chính để đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc thu gom, xử lý RTN; đồng thời áp dụng 3 chiến lược trong phương pháp truyền thông thay đổi hành vi để thúc đẩy giảm RTN ra môi trường, như: Truyền thông thay đổi hành vi, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội và vận động chính sách.
|
Dự án”Huế-Đô thị giảm nhựa miền Trung” đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống rác thải nhựa đến các gia đình ở TP. Huế
|
Thời gian qua, Dự án đã phối hợp với TP. Huế triển khai và hướng dẫn quy trình phân loại rác thải tại nguồn tại 100% xã, phường trên địa bàn. Tất cả các địa phương khi nhận các thiết bị thùng lưu chứa rác từ Dự án đã phối hợp tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn việc phân loại rác thải tại nguồn cho các ban ngành, đoàn thể. Từ đó các nội dung tập huấn đã đưa đến từng tổ dân phố, người dân để thực hiện; đồng thời triển khai các phong trào “5 không 3 sạch”, “Đổi rác nhựa lấy quà”, “Thu gom rác thải nhựa tạo quỹ nhân ái”, “Tổ chức đội ngũ thu mua ve chai chuyên nghiệp”… Tất cả không ngoài mục tiêu giảm thiểu RTN ra môi trường.
|
|
|
|
Dự án còn kết nối với các hội đoàn thể, tổ chức, đơn vị liên quan, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân TP. Huế, Hội Nghề cá và Ban quản lý Cảng cá tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế và các trường học… tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại rác tại nguồn, giảm RTN. Cùng Dự án, ngành giáo dục TP. Huế đã phát động sâu rộng giáo viên và học sinh nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, nhiều trường học tổ chức các hoạt động đa dạng, bổ ích. Từ các tiết học chính khóa, hay ngoại khóa, sinh hoạt, chào cờ... được lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường, như thi vẽ tranh, rung chuông vàng về chủ đề giảm RTN, “Ngày hội sống xanh”, Câu lạc bộ “Em yêu môi trường”... cho hàng chục nghìn học sinh các cấp tham gia.
Tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Huế), nhiều cuộc thi rung chuông vàng, vẽ tranh với chủ đề “Em yêu môi trường” theo định kỳ đã thu hút đông đảo học sinh với không khí vui tươi, hào hứng. Qua đó, nhiều em đã nắm rõ kiến thức, kỹ năng trong các hoạt động bảo vệ môi trường và áp dụng cho chính bản thân mình cũng như "truyền đạt" đến người thân, gia đình.
|
Học sinh các trường học ở TP. Huế hưởng ứng phong trào giảm rác thải nhựa
|
Thầy giáo Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động để giáo dục ý thức, hành động bảo vệ môi trường cho học sinh. Đồng thời trong các môn học, như: giáo dục công dân, tự nhiên xã hội… giáo viên đã lồng ghép những kiến thức về môi trường, cung cấp cho các em kiến thức về mối nguy hại của RTN và hình thành thói quen cho thế hệ trẻ biết cách PLRTN, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần...
Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phối hợp với Dự án triển khai nhiều hoạt động để giảm thiểu RTN nhằm bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, xây dựng điểm đến thân thiện. Kết nối cùng DA “Huế - Đô thị giảm nhựa khu vực miền Trung” vào tháng 8/2023, đơn vị này tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về giảm nhựa cho 120 thành viên trực thuộc, gồm các khách sạn, công ty lữ hành và các điểm du lịch cộng đồng. Các thành viên tham gia đã đồng thuận về tính cấp thiết của việc triển khai các hoạt động giảm sử dụng sản phẩm nhựa tại đơn vị; nhận diện được các loại sản phẩm nhựa đang sử dụng tại đơn vị, một số cách thức cơ bản có thể áp dụng để triển khai các hoạt động giảm RTN; đồng thời cam kết tổ chức triển khai hoạt động giảm nhựa tại đơn vị theo kế hoạch chung của ngành du lịch tỉnh.
|
Dự án "Huế-Đô thị giảm nhựa miền Trung” hỗ trợ các công trình cấp nước sạch miễn phí tại các điểm du lịch cho người dân và du khách gần xa
|
Hiện nay, đã có 22 khách sạn (tương đương 70% thành viên của Hội khách sạn trên địa bàn tỉnh) cam kết triển khai ít nhất một lần thực hành giảm sản phẩm nhựa dùng một lần tại đơn vị. Trong đó, có 7 khách sạn tiên phong với những mô hình, sáng kiến, đề ra kế hoạch giảm nhựa trong hoạt động kinh doanh với nguyên tắc 6T (từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, thay thế, tái chế và thu gom).
|
Hoạt động chạy bộ nhặt rác nhằm truyền thông ý thức bảo vệ môi trường đến người dân
|
Nội dung: MINH THƯƠNG
Ảnh: SONG MINH - CTV
Clip: WWF-Việt Nam
Thiết kế: NGUYỄN QUÂN