ClockThứ Sáu, 06/12/2019 22:09

Liên kết 6 nhà

TTH - Liên kết 6 nhà là một trong những nội dung đặt ra tại hội nghị “Thủ tướng đối thoại với nông dân”, với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản” sẽ diễn ra tại thành phố Cần Thơ, ngày 10/12 tới đây.

Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn trong phát triển nông nghiệp và hiện có khoảng 2/3 dân số sống ở nông thôn, gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Trước đây, với quy mô sản xuất nông hộ, manh mún nhỏ lẻ, nông dân chủ yếu sản xuất cái đã có chứ chưa sản xuất cái thị trường cần. Họ sản xuất theo mô hình tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường. Thấy cái gì bán được là họ lao vào sản xuất chứ không nắm được thông tin thị trường, không có đầu mối tiêu thụ. Chính điều này dẫn đến tình trạng nông sản được mùa mất giá, khiến đời sống một bộ phận người nông dân còn bấp bênh.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, các mối liên kết 4 nhà, liên kết 5 nhà trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước hình thành, tạo sự phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất, sản lượng, kim ngạch xuất khẩu nông sản đều tăng. Nhiều nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu cả tỷ USD. Một số nông sản được thế giới biết đến nhờ có chất lượng vượt trội, như gạo ST 25 vừa đạt giải gạo ngon nhất thế giới…

Theo ước tính của ngành nông nghiệp, năm 2019, cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa; sản lượng thịt lợn đạt 3,3 triệu tấn, thịt gà đạt 1,3 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn….Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5 - 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, với sự hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng, các mối liên kết 4 nhà, 5 nhà xem chừng đã là tấm áo chật. Một mối liên kết đầy đủ 6 nhà được đề cập đến tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân lần thứ nhất, tại Hải Dương năm 2018. Ngoài các “nhà” đồng hành từ lâu với nhà nông là Nhà nước, nhà khoa học, nhà băng thì có 2 “nhà” giữ vai trò quan trọng việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản là nhà doanh nghiệp và nhà phân phối.

Đặt nhà doanh nghiệp và nhà phân phối trong mối liên kết này là điều cần thiết trước yêu cầu tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Với người nông dân, nguồn lực, trình độ khoa học hạn chế, đất đai manh mún, việc đầu tư sản xuất quy mô lớn, mang tính hàng hóa là điều bất khả thi. Chỉ có các doanh nghiệp mới đủ nguồn lực tổ chức sản xuất quy mô lớn, đầu tư các trang thiết bị, công nghệ bảo quản, chế biến hiện đại, giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Ngay trên địa bàn Thừa Thiên Huế, nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp với HTX và nông dân cũng đã được triển khai. Điển hình là Tập đoàn Quế Lâm với các mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, chăn nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi giá trị với các HTX nông nghiệp, hộ dân trên địa bàn đem lại hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Với các nhà phân phối, họ là khâu không thể thiếu trong nền sản xuất hàng hóa. Đây vốn là khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Khi có các nhà phân phối tham gia vào chuỗi giá trị nông sản không chỉ tăng sản lượng tiêu thụ, giúp đưa sản phẩm đi xa, mà còn góp phần định hướng sản xuất hàng hóa, hạn chế tình trạng được mùa mất giá.

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài là vấn đề được đặt ra không chỉ với ngành nông nghiệp mà là vấn đề của quốc gia hiện nay. Để thành công, không thể tách rời mối liên kết 6 nhà. Trong đó, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho các “nhà” thuận lợi trong liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam

Sáng 2/11 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh diễn ra Giải tennis kỷ niệm 78 năm Ngày pháp luật Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2024). Đến dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Phước, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh và ông Nguyễn Đình Huy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Huy Thịnh - đơn vị tài trợ chính giải đấu.

Khai mạc giải Giải tennis chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Return to top