ClockThứ Tư, 06/09/2017 08:39

Lộ trình xử lý nợ xấu

TTH - Có không ít rủi ro đã xảy ra và đang tiếp tục được xử lý trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, và liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Điều này rõ ràng đã gây nên một áp lực mang tính cản trở lên sự phát triển của nền kinh tế, và đương nhiên nó cũng tác động tiêu cực đến an sinh xã hội. Nguồn tin từ Trí thức trẻ ngày 23/6/2017 vừa qua đưa ra con số khoảng 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng, bao gồm cả các khoản nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý. Tờ báo này dẫn nguồn từ người đứng đầu ngành ngân hàng cho hay, với tốc độ tăng tín dụng 16% mỗi năm, dù nỗ lực xử lý nợ xấu, hệ thống cũng sẽ phát sinh 350.000 tỷ đồng nợ xấu.

Việc xử lý nợ xấu, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý đã nảy sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng Việt Nam và quan trọng nhất là tạo thanh khoản tốt cho các hoạt động kinh tế đã được đặt ra trong các phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết (NQ) xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong các cuộc họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Và cho dù đây không phải là việc dễ dàng khi chọn giữa các mốc thời điểm khoanh nợ hay lựa chọn để xử lý đồng thời cả nợ xấu cũ lẫn nợ xấu mới, nhằm giúp nền kinh tế có thêm vốn để phát triển...nhưng giải pháp mà Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua NQ 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng với mốc thời điểm có hiệu lực được xác định là 15/8/2017 (có hiệu lực trong 5 năm). Đây cũng được xem như một lộ trình thí điểm mang tính đặc thù để giải quyết các khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua, bảo đảm nguồn lực để xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng...

Cùng với việc xác định nợ xấu và phạm vi nợ xấu được xử lý theo NQ,  nguyên tắc xử lý nợ xấu dựa trên việc bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu và cuối cùng là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Để triển khai NQ 42/2017/QH14 trên địa bàn, UBND tỉnh cũng vừa có Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 30/8/2017 với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế, các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân, UBND TP.Huế và các huyện, thị xã, Sở Tài nguyên Môi trường, Cục thuế tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan... trên cơ sở mục tiêu đã xác định nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản lý điều hành của các tổ chức này theo quy định của pháp luật, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững...

Con số tham khảo được đưa ra ở đây là năm 2016, nợ xấu ở toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn ở mức 0,96%, giảm 0,14% so với năm 2015. 6 tháng đầu năm 2017, nợ xấu ở mức 370 tỷ đồng, chiếm 1,06% tổng dư nợ (nguồn UBND tỉnh).

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị
Return to top