Dựa trên nền tảng chính quyền điện tử, đề án Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 sẽ tập trung vào các mục tiêu chính, bao gồm nâng chất lượng cuộc sống của người dân, quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện và tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; đến năm 2025, Thừa Thiên Huế tiếp cận với các thành phố thông minh hiện đại trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và du lịch. Nhìn một cách khái quát, lõi của đề án này tập trung vào nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, đạt được giá trị và giá trị tăng thêm cho tăng trưởng và phát triển.
Dựa trên 15 nhiệm vụ được ưu tiên và các nhóm giải pháp để triển khai, có thể nhận thấy, việc xác định phát triển dịch vụ đô thị thông minh chính là phần lõi trước khi thực sự vận hành một đô thị thông minh. Theo góc nhìn của cá nhân tôi, 15 nhiệm vụ được ưu tiên này gần như đều chuẩn bị hạ tầng cho các tiện ích để phát triển không gian và môi trường cho đô thị thông minh, trước hết là cho dịch vụ của đô thị thông minh. Bao gồm xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); xây dựng hạ tầng nền tảng phát triển dịch vụ; thực hiện chuyển đổi số; liên kết, liên thông các hệ thống thông tin; xây dựng mô hình trung tâm giám sát, điều hành; xây dựng hệ sinh thái y tế, giáo dục, du lịch thông minh; phát triển các dịch vụ giao thông; phát triển kinh tế số; xây dựng phương án thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động phát triển đô thị thông minh, hướng dẫn người dân tiếp cận các dịch vụ đô thị thông minh...
Phần lõi trong lõi dịch vụ đô thị thông minh chắc chắn là việc xây dựng và kiến tạo phương thức quản trị đô thị hiệu quả. Trong đó là sự vận hành, quản lý và chuyển động của 3 đối tượng chính – chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Hẳn nhiên trong mối tương tác này, việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu để gia tăng hiệu quả quản lý của chính quyền trên các lĩnh vực hoạt động phải được đặt trong sự tương tác với người dân; đồng thời xây dựng một môi trường hoạt động đơn giản và minh bạch như một cơ chế - tiện ích cho các doanh nghiệp hoạt động và cạnh tranh lành mạnh.
Thực ra, dù là gì và thế nào đi chăng nữa, cốt lõi của đô thị thông minh hay dịch vụ đô thị thông minh vẫn thuộc về các giải pháp công nghệ và vấn đề kết nối. Mặt khác để vận hành được hạ tầng này, nguồn lực thông tin là điều cần được xây dựng và tích hợp trên một phạm vi không hề nhỏ. Khối lượng công việc là lớn, song khi xây dựng được nền tảng và các giải pháp kèm theo, guồng máy sẽ chuyển động và chắc chắn đó phải là một chuyển động thông minh hơn, mang lại hiệu quả lớn hơn như một điều không thể khác.
Một “lõi” khác mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chính là việc trước hết, tỉnh đã xác định việc xây dựng đô thị thông minh tập trung ở khu vực đô thị Huế. Hiệu suất và những kinh nghiệm từ đây cũng sẽ được nhận diện và đúc rút để hướng đến một mục tiêu rộng hơn – người dân được cung cấp dịch vụ tốt nhất và kinh tế phát triển bền vững trên nền tảng công nghệ tiên tiến và hiện đại.
Nguyễn An Lê