ClockChủ Nhật, 13/10/2024 06:56

Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương

TTH - Với mục tiêu từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều dự án (DA) quy mô lớn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

 Không gian hai bờ sông Hương ngày càng khang trang và hoàn thiện

Kích cầu du lịch

Qua gần 10 năm triển khai các DA đầu tư chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương, bao gồm 2 tuyến đường đi bộ, chỉnh trang các công viên, điểm xanh, quy hoạch hệ thống cây xanh, đầu tư các tiện ích công cộng…, đến nay không gian hai bờ sông ngày càng khang trang, trở thành điểm tham quan, vui chơi giải trí hấp dẫn phục vụ người dân và du khách.

Khởi đầu trong chiến lược “thay áo mới” cho không gian hai bờ sông Hương của thành phố đó là đưa vào sử dụng DA thí điểm cầu đi bộ dọc sông Hương (cầu gỗ lim) vào năm 2019, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và đường đi bộ phía bờ nam sông Hương do UBND TP. Huế đầu tư. Đây là hai DA nằm trong DA quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, được thực hiện từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc với số vốn hơn 6 triệu USD và nguồn vốn đối ứng của UBND tỉnh. Theo đó, cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, sàn lát gỗ lim Nam Phi, lan can bằng đồng, hệ thống điện chiếu sáng chịu nước…, với tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng.

Cầu gỗ lim đưa vào sử dụng đã tạo hiệu ứng tích cực cho không gian hai bờ sông Hương khu vực phía nam, trở thành điểm tham quan, dạo bộ và check-in lý tưởng phục vụ người dân và du khách. Đồng thời, tạo động lực để tỉnh và thành phố tiếp tục nghiên cứu, đầu tư kinh phí triển khai nhiều DA làm đẹp cho không gian đô thị Huế.

Mới đây, HĐND TP. Huế thống nhất bổ sung vào danh mục điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với DA xây dựng cầu đi bộ kết hợp tuyến xe đạp qua sông An Cựu (cầu chữ Y). Theo đó, DA được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, thực hiện trong 3 năm với tổng vốn đầu tư hơn 29 tỷ đồng. Khu vực dự kiến xây dựng cầu chữ Y nằm ở ngã ba sông Hương và sông An Cựu, trong đó một bên là khu vực công viên và Nhà hát sông Hương, phía bên kia là cồn Dã Viên mới được chỉnh trang.

Cầu chữ Y được đầu tư ngoài việc trở thành một điểm nhấn cho trục cảnh quan hai bên bờ sông An Cựu, còn là sự kết nối giữa tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương từ vị trí nhà hát sông Hương qua đến công viên Bùi Thị Xuân, giúp việc đi bộ - đạp xe của người dân một cách thuận lợi. Cầu được xây dựng có điểm đầu kết nối với đường đi bộ dọc sông Hương bên phía nhà hát Sông Hương, điểm cuối kết nối vào đường ven sông phía công viên Bùi Thị Xuân với chiều dài tuyến khoảng 70m.

Cùng với các DA nêu trên, TP. Huế đã và đang chuẩn bị triển khai nhiều DA quan trọng nhằm tạo động lực kích cầu du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, như: DA chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, Trịnh Công Sơn, công viên Phú Xuân, chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương - hạng mục đường đi bộ từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội…

Đẩy nhanh tiến độ các DA

Theo Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Cùng với việc triển khai các DA nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA, công trình trọng điểm trên địa bàn, như: DA Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế (phần mở rộng), đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; DA nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu; các DA tại Khu A - B - Khu Đô thị mới An Vân Dương…

Nhiệm vụ quan trọng nữa là tập trung các DA kết nối đô thị, giao thông, xử lý nước thải khu vực đô thị, lề đường, điện chiếu sáng, hạ tầng cụm công nghiệp, công viên, cây xanh; tăng cường các tiện ích đô thị, như: Hệ thống đường dạo, bãi đỗ xe, camera giám sát, nhà vệ sinh công cộng; chỉnh trang đường, công viên dọc hai bờ sông Hương, các tuyến đường nội đô, tuyến đường của các phường, xã mới sáp nhập…, góp phần làm cho diện mạo thành phố ngày càng sạch, đẹp, từng bước tạo đột phá về hạ tầng, không gian, cảnh quan du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

Sau 4 năm mở rộng địa giới hành chính, thành phố bước đầu đã phát huy, khai thác hiệu quả các lợi thế, nguồn lực mới, phát triển kinh tế biển, đầm phá. Các đề án phát triển kinh tế, du lịch, như: Đề án xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Rú Chá - Cồn Tè, Đề án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng biển tại Hải Dương, Đề án Phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng bền vững được tập trung chỉ đạo, dự báo sẽ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế so sánh gắn với yếu tố cộng đồng và tạo sức bậc cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các phường, xã mới sáp nhập vào thành phố.

Ông Phan Thiên Định cho rằng, du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm của kinh tế thành phố. Vì vậy, bài toán đặt ra trong thời gian tới đó là làm sao để nâng tầm chất lượng du lịch, làm phong phú các hoạt động dịch vụ và đưa một số loại hình dịch vụ mới vào phục vụ người dân, khách du lịch. Các hoạt động văn hóa, lễ hội phải được quan tâm, nâng cao chất lượng hơn nữa, đảm bảo tính chuyên nghiệp và đưa người dân trở thành trung tâm của mỗi kỳ lễ hội. Thế nên, việc đầu tư hoàn chỉnh các khu phố đêm, các tuyến phố đi bộ, hạ tầng du lịch - dịch vụ để thu hút du khách, phát triển kinh tế đêm là mục tiêu được thành phố đặt ra và tập trung thực hiện. Trong đó, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, ẩm thực Huế, phát triển gắn liền với việc khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường; góp phần xây dựng, bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng và văn minh đô thị Huế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo “bước đệm” cho thành phố trực thuộc Trung ương.

Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
1.4
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm

Chiều 5/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.

Tập trung xây dựng đô thị di sản xứng tầm
Điểm nhấn đô thị

Có thể thấy, diện mạo Hương Thủy đang thay đổi từng ngày. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng những sự đầu tư để chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị đã giúp Hương Thủy tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt người dân và du khách.

Điểm nhấn đô thị
Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị

Chiều 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về giải pháp giám sát, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị
Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
Return to top