Đại biểu Nguyễn Chí Tài phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Hoàng Linh
Sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh việc đạt được kết quả quan trọng, Luật Quản lý thuế cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cần được sửa đổi…
Nên kiểm tra quyết toán thuế các doanh nghiệp có quy mô lớn
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế - Nguyễn Chí Tài, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Về quyết toán thuế, đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, trong dự thảo Luật Quản lý Thuế vẫn chưa quy định kiểm tra quyết toán đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn hằng năm. Việc quyết toán này phải được đưa vào luật. Tức là hằng năm phải thực hiện quyết toán thuế đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn và giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện điều này, nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý thuế theo đúng quy định.
Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý, khi hướng dẫn việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế theo quy định tại Khoản 4, Điều 9, cần lưu ý quy định cụ thể đối với tiêu chí và quy trình lựa chọn đơn vị kiểm tra, thanh tra thuế; kiểm tra, thanh tra sau khi hoàn thuế trên nguyên tắc các doanh nghiệp đều có cơ hội được thanh tra, kiểm tra trên cơ sở ưu tiên xem xét các tiêu chí về phân loại và quản lý rủi ro như: kết quả đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, kết quả phân loại rủi ro, quy mô nộp thuế, hoàn thuế…
Siết chặt quản lý hóa đơn thuế VAT
Tổ 18 thảo luận sáng 12/11. Ảnh: Quochoi.vn
Về khoanh tiền thuế nợ, tiền nộp chậm, đại biểu Nguyễn Chí Tài cho rằng, tại Khoản 8, Điều 59 về chậm nộp tiền thuế quy định “chưa tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ theo quy định tại điều luật này”, cần làm rõ từ thời điểm nào đến thời điểm nào.
Các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, đại biểu đề nghị xem xét, không tiến hành khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các trường hợp nêu tại: (mục 2, Điều 83) người nộp thuế có quyết định giải thể… chưa hoàn thành thủ tục giải thể; (mục 4 Điều 83) người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh… người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế. Đặc biệt, không “ưu đãi” khoanh thuế đối với các đối tượng có dấu hiệu trốn thuế hoặc vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
Một vấn đề được quan tâm nữa là, việc quản lý hoá đơn trong thuế VAT hiện nay, cơ chế cho phép doanh nghiệp tự tạo hoá đơn Giá trị gia tăng (GTGT) được đưa vào thực hiện từ năm 2011 – 2012. Sau một vài năm thực hiện đã xuất hiện tình trạng gian lận hợp đồng để trốn thuế. Trong công tác quản lý hợp đồng, việc bỏ bản kê hoá đơn sẽ tạo khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra chéo của các cơ quan thuế.
Do vậy, đại biểu đề nghị bộ Tài chính, cơ quan thuế cần thực hiện đánh giá chuyên đề về việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp tự tạo hợp đồng GTGT, từ đó nhìn nhận rõ những lỗ hổng trong quản lý để có hướng hoàn chỉnh phù hợp, hạn chế cơ bản tình trạng trốn lậu thuế GTGT thông qua việc gian lận hợp đồng.
Đại biểu cũng cho rằng, việc đưa vào áp dụng hợp đồng điện tử trong giai đoạn hiện nay cũng không thể yêu cầu áp dụng một cách đại trà với tất cả các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, đây không phải là biện pháp đủ để giải quyết một cách cơ bản các tình trạng gian lận trốn thuế và hạn chế trong việc quản lý hoá đơn GTGT.
Thái Sơn- Hoàng Linh (lược ghi)