Giới hạn về mặt thời gian của việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đã được xác định. Các nhà mạng cũng bắt đầu thực hiện việc thông báo này từ ngày 15/3. Như vậy là chỉ còn 15 ngày nữa để thực hiện các công việc và cả các công đoạn cho một mục tiêu chung, với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ… để các bên có thể cập nhật nhanh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất việc chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là yêu cầu và kế hoạch được đặt ra. Mục tiêu chắc chắn vẫn còn lắm thách thức. Có thể phải chuẩn hóa thủ công là điều mà Vinaphone xác định do một số loại tài liệu, giấy tờ cá nhân chưa nằm trong cơ sở dữ liệu. Với Viettel, rào cản là ở chỗ tệp khách hàng sai thông tin không lớn, nhưng trải dài ở nhiều khu vực và việc phản hồi của khách hàng rất thấp, dù nhà mạng đã triển khai việc nhắn tin. Đây có lẽ cũng là hệ lụy của việc người dùng đã phải “chịu trận” tình trạng tin nhắn rác quá nhiều, quá lâu và khi có tin nhắn chính thống, được phát đi từ “chính chủ”, họ cũng cho nó vào chung một giỏ và không quan tâm nữa.
Mỗi nhà mạng hiện có khoảng 1 triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin là điều được xác định tại cuộc họp để triển khai việc chuẩn hóa thông tin thuê bao, diễn ra vào sáng 13/3. Con số này có vẻ nhỏ so với 127 triệu thuê bao di động, trong đó 96% thuộc về ba nhà mạng lớn là Vinaphone, Viettel, MobiFone. Nhưng tôi đồ rằng, đó là một con số ước lượng. Thực tế có lẽ phải là một con số lớn hơn. Mặt khác, việc thực hiện kế hoạch còn phải dựa vào sự hợp tác từ phía người dùng. Khóa một chiều là giải pháp ngắn hạn, và nó ảnh hưởng không chỉ đối với người thuê bao. Nhưng để hạn chế và tiến tới chấm dứt việc người dùng phải chịu đựng các loại quảng cáo, tin nhắn rác, lừa đảo, quấy rối các loại và tạo một không gian lành sạch cho người dùng là điều không thể nấn ná thêm. Lâu nay, thị trường này không hề công bằng khi nhà mạng thu lợi, còn nó hoạt động ra sao, bị “nhũng nhiễu” như thế nào thì lại không rõ trách nhiệm từ đơn vị cho thuê bao.
Trong mục tiêu quốc gia, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là một đề án lớn, kết hợp với việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp, đây cũng sẽ là những hạ tầng cần thiết cho một quốc gia số mà chúng ta đang thực hiện và hướng đến, trên nhiều lĩnh vực.
Trước mắt với người dùng, điều mong muốn nhất có lẽ là sẽ không phải bị tác động bởi các “thế lực” tin giả. Chúng tôi nói như vậy vì bao nhiêu năm qua, đây là tình trạng đã biết/đã rõ/đã hiểu nhưng chẳng thấy được giải quyết thấu đáo. Nếu không dứt điểm bằng các biện pháp kiên quyết, nó sẽ quay trở lại thách thức mục tiêu.