ClockThứ Năm, 16/03/2023 08:17

Thuê bao di động phải có thông tin đúng quy định

TTH - 31/3 tới là hạn cuối để các thuê bao (TB) di động có thông tin cá nhân chưa trùng khớp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thực hiện chuẩn hóa.

Yêu cầu các nhà mạng bố trí nhân lực, kỹ thuật để chuẩn hóa thông tin thuê bao

leftcenterrightdel
 Hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin trên điện thoại

 Dễ dàng, thuận tiện

Những ngày qua, tại các điểm giao dịch của các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone… tại Huế có khá đông khách hàng (KH) đến đăng ký thông tin thuê bao chính chủ sau khi nhận được tin nhắn của nhà mạng mình đang sử dụng.

Tại điểm tiếp nhận đăng ký thông tin TB chính chủ của VinaPhone tại Trung tâm Kinh doanh VNPT, sau chưa đầy 1 phút, anh Nguyễn Minh Nhật (KH tại TP. Huế) đã hoàn thành việc cập nhật thông tin của mình.

Theo anh Nhật, việc đăng ký này là cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân. “Thỉnh thoảng em và người nhà vẫn có các cuộc điện thoại từ số lạ gọi đến di động làm phiền hoặc nhận các tin nhắn “rác”, điều này làm em khá lo lắng, nhất là cho những người thân lớn tuổi, không rành về công nghệ. Vì vậy, hy vọng việc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu đăng ký thông tin chính chủ sẽ sớm kiểm soát được tình trạng trên”, Minh Nhật bày tỏ.

Bà Võ Thị Thanh Hiền, Phụ trách cửa hàng MobiFone cho biết, hiện KH đã nhận được tin nhắn thông báo của nhà mạng về việc chuẩn hóa thông tin và đến cửa hàng để thực hiện khá đông.

“MobiFone đang cung cấp nhiều kênh để KH đăng ký: có thể qua app My MobiFone, qua website tttb.mobifone.vn hoặc đến cửa hàng MobiFone gần nhất để giao dịch viên hỗ trợ tại quầy. Trường hợp đặc biệt như KH đặc thù, người lớn tuổi… chúng tôi sẽ có nhân viên đến hỗ trợ tại nhà”.

Theo bà Hiền, việc cập nhật thông tin chính chủ của KH sẽ được bảo mật tuyệt đối. “MobiFone sẽ gửi tin nhắn thông báo cập nhật thông tin TB trong vòng 15 ngày và số lượng KH MobiFone cần chuẩn hóa thông tin khoảng 85% đến ngày 30/4”, bà Hiền nói.

leftcenterrightdel
 Chụp ảnh chân dung chính chủ cho khách hàng

Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế - Nguyễn Huy Quang cho hay, với KH chưa chuẩn hóa thông tin, Viettel có nhiều giải pháp hỗ trợ như nhắn tin đến các cửa hàng cập nhật, phối hợp với Sở TT&TT cung cấp thông tin kiểm tra TB có chính chủ hay không trên Hue-S. “Đối với danh sách TB Viettel nghi ngờ chưa chính chủ, chúng tôi giao nhân viên gọi điện cho KH, nếu đồng ý nhân viên sẽ đến tận nhà chuẩn hóa thông tin cho người dùng”, ông Quang nói.

Theo các quy định, nhà mạng sẽ nhắn tin cho TB chưa đáp ứng đủ yêu cầu thông tin trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần. Kể từ khi nhận thông báo, chủ TB có 15 ngày để cập nhật thông tin trước khi bị khóa liên lạc một chiều. Nếu vẫn tiếp tục chưa cập nhật, sau 15 ngày tiếp theo, TB sẽ bị khóa liên lạc hai chiều. 60 ngày kể từ khi nhận được thông báo đầu tiên mà chưa cập nhật thông tin, TB sẽ bị ngừng hợp đồng.

Giúp giảm cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ TT&TT đặt kế hoạch, đến ngày 31/3, các TB di động đang hoạt động phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại diện các nhà mạng cho biết, những thuê bao nhận được đề nghị chuẩn hóa thông tin TB cần tiến hành chuẩn hóa thông tin để đảm bảo quyền lợi của chủ thuê bao, tránh các trường hợp giả mạo, mạo danh để thực hiện hành vi trái pháp luật. Đặc biệt, người dùng cần lưu ý các tin nhắn, cuộc gọi chính thức từ các nhà mạng, để không bị "dính" các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế, Giám đốc trung tâm Kinh doanh bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn KH nhanh chóng đối chiếu, cập nhật lại thông tin cho đúng trong thời gian quy định. Việc này rất có lợi, vừa xác định chủ quyền, vừa thuận tiện trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của Nhà nước cũng như kết nối vào cơ sở dữ liệu dân cư sắp tới”.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn thông tin: Vừa qua, có rất nhiều phản ánh, vụ việc lợi dụng sim rác lừa đảo được phát hiện. Ngành TT&TT đang tiến hành hết sức quyết liệt, đặc biệt, công tác thanh kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông làm phát sinh sim rác được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Qua đó, phát hiện nhiều vấn đề, nhiều vi phạm bị xử phạt.

Vì vậy, việc đảm bảo thông tin TB trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ góp phần giải quyết tình trạng sim, TB di động không đúng quy định. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa thông tin TB cũng là một giải pháp giúp hạn chế tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo lợi dụng những sim với thông tin không chính xác.

“Chúng tôi đang triển khai quyết liệt các biện pháp để giải quyết tình trạng sim rác, tạo sự an toàn cho người dùng trên không gian mạng ngày càng tốt hơn”, ông Sơn nói.

Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

TIN MỚI

Return to top