ClockThứ Sáu, 05/07/2019 07:57

Nâng tầm doanh nghiệp, đón cơ hội

TTH - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký vào ngày 30/6 vừa qua, kỳ vọng tạo bước đột phá thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế của EVFTA, ngoài quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp cần có sự chủ động tổ chức lại sản xuất, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng này.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Vấn đề được các doanh nghiệp hai bên quan tâm nhiều nhất là chính sách mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường của nhau.

Theo hiệp định được ký kết, EU cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% các dòng thuế, tương đương 99,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Các loại hàng hóa của Việt Nam được đánh giá hưởng lợi nhiều từ EVFTA là dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, hàng nông thủy sản. Đây là những hàng hóa xuất khẩu chủ lực, vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu từ EU với lộ trình xóa bỏ thuế quan phù hợp với trình độ phát triển của hai bên.

Theo các chuyên gia kinh tế, EU là thị trường giàu tiềm năng không chỉ về mặt kim ngạch xuất khẩu mà giá cả cũng rất hấp dẫn, nhưng cũng là thị trường khó tính. Muốn xâm nhập thị trường này, các doanh nghiệp phải nắm vững và đáp ứng về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn động thực vật, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về lao động và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… theo quy định của EU.

Theo ông Nguyễn Bá Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may Huế - một trong những đơn vị đã xuất khẩu vào thị trường EU - đây là thị trường giàu tiềm năng, nhưng để xuất khẩu vào thị trường này không chỉ là vấn đề chất lượng sản phẩm, giá cả. Trước khi ký hợp đồng, các đối tác luôn kiểm tra về việc đáp ứng các quy định về môi trường, điều kiện lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp... Nhưng bù lại, giá cả hấp dẫn, lợi nhuận cao hơn các hợp đồng ở thị trường khác.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của EU vào Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc, hóa chất, thiết bị vận tải… là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận với công nghệ tiên tiến, thiết bị chất lượng cao từ châu Âu với giá thấp hơn nhằm cải thiện năng suất lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dù rất lạc quan với EVFTA, nhưng với quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các quy định của EU. Để tận dụng được lợi thế từ EVFTA, các doanh nghiệp không có con đường nào khác phải tự nâng tầm doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp, đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top