ClockThứ Tư, 20/11/2024 11:28

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TTH - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Kích cầu nguồn lực, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạoHướng tới xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệpCông diện hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

 Doanh nghiệp tham gia góp ý về chính sách giúp các chính sách hỗ trợ phát huy được hiệu quả

Tăng cường công tác truyền thông

“Những chính sách hỗ trợ DN của chính quyền, sở, ngành tại Thừa Thiên Huế luôn khiến các DN ngoại tỉnh thán phục. Chúng tôi nhận được rất nhiều sự đồng hành của chính quyền từ khi mới gia nhập thị trường đến khi đi vào hoạt động, nhất là các hoạt động nâng cao năng lực, xúc tiến mở rộng thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Kim Lang, Công ty TNHH Bách nghệ Búp Sen khẳng định.

Đó cũng là chia sẻ của rất nhiều DN tại hội thảo về hỗ trợ DN năm 2024 được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây.

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ DNNVV tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều hạng mục hỗ trợ triển khai hiệu quả, được cộng đồng DN đánh giá cao. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức nhiều lớp đào tạo với các chuyên đề tài chính, nguồn vốn, nhân sự… cho hơn 1.300 lượt DN; hỗ trợ 105 hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, hỗ trợ thành lập mới DNNVV với tổng kinh phí hỗ trợ đạt gần 8,7 tỷ đồng. Ngoài ra, một số giải pháp hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử… cũng được triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các hội, hiệp hội, câu lạc bộ DN, các chính sách hỗ trợ DNNVV chưa được tiếp cận rộng rãi, tập trung vào một nhóm DN “siêng” tiếp cận chính sách.

Trên thực tế, DNNVV rất đa dạng về quy mô, ngành nghề và hình thức hoạt động, dẫn đến nhu cầu hỗ trợ cũng khác nhau. Điều đó khiến các cơ quan hỗ trợ DN gặp khó trong việc xây dựng các chương trình hỗ trợ chung mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp. Ngoài ra, hỗ trợ DNNVV đòi hỏi nguồn lực lớn, tuy nhiên trong bối cảnh nguồn lực và ngân sách cho hoạt động hỗ trợ hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, gây trở ngại cho việc triển khai các chương trình hỗ trợ mang tính dài hạn.

Ông Phan Văn Nhật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ CEO Huế còn chỉ ra một hạn chế cố hữu trong công tác hỗ trợ DN, đó là công tác truyền thông để DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.

Hiện, các sở, ngành đang tận dụng các cánh tay nối dài là các hội, hiệp hội để truyền thông và phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ DN. Tuy nhiên, các hội, hiệp hội hiện vẫn “mạnh ai nấy làm” chưa có sự phối hợp nhịp nhàng để tăng tính lan tỏa, hiệu quả, hiệu lực trong tiếp cận chính sách.

Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ DN

Tại hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ DN mới đây, nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện cần có giải pháp, đổi mới công tác hỗ trợ DN cũng được đặt ra.

Theo ông Phan Văn Nhật, Chủ nhiệm CLB CEO Huế, cần thiết phải xây dựng hệ thống thông tin trung tâm về hoạt động hỗ trợ DN. Hệ thống này sẽ tập hợp những thủ lĩnh tại các hội, hiệp hội, CLB DN trên địa bàn. Khi thực hiện hay có chính sách cần triển khai, những thành viên này sẽ là đối tượng xung kích trong thúc đẩy truyền thông vào hội nhóm, hội, hiệp hội nhằm gia tăng lượng tiếp cận.

Chính quyền có thể xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các DN lớn, ngân hàng và tổ chức phi chính phủ để tạo ra nhiều cơ hội hỗ trợ hơn cho DNNVV. Qua sự hợp tác này, các DN nhỏ sẽ có thêm nguồn lực và kiến thức quý giá để phát triển. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện chính sách cũng cần đánh giá và điều chỉnh chính sách định kỳ làm cơ sở cải thiện chất lượng các chương trình hỗ trợ, đảm bảo rằng những chính sách này thực sự đáp ứng nhu cầu của DNNVV.

Hay như ý kiến của ông Nguyễn Doãn Quan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN, mức độ tiếp cận chính sách hỗ trợ DN tại các địa bàn khác nhau và tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố. Hiện, một số huyện, thị đã thành lập các Câu lạc bộ doanh nhân và sắp tới Hiệp hội sẽ xúc tiến thành lập các câu lạc bộ này ở các huyện, thị còn lại. Vì thế, việc lan tỏa, triển khai các chính sách hỗ trợ DN về các địa bàn khác cũng cần được tính đến nhằm hướng đến sự công bằng trong tiếp cận chính sách.

Theo kinh nghiệm của nhiều DN, việc tìm kiếm thông tin về các chương trình hỗ trợ, theo dõi các cổng thông tin chính thức, trang web của các cơ quan chức năng, và tham gia các hội thảo hay sự kiện sẽ giúp họ nắm bắt kịp thời những cơ hội. Không chỉ vậy, việc kết nối với các hội, hiệp hội DN cũng là một cách hay để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Ngoài ra, DN nên xác định những mục tiêu cụ thể, chiến lược kinh doanh và các khó khăn; chủ động cung cấp phản hồi cho chính quyền về các chương trình hỗ trợ. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp chính quyền cải thiện chất lượng chính sách và đảm bảo rằng các chương trình thực sự đáp ứng được nhu cầu của DN.

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, muốn chính sách được thực thi hiệu quả thì ngoài sự nhập cuộc của chính quyền, cần sự tham gia hỗ trợ của các hội, hiệp hội, câu lạc bộ DN và bản thân DN cũng chủ động hơn trong tiếp cận. Trên cơ sở đề xuất của DN, Sở sẽ xây dựng mạng lưới hỗ trợ DN với đầu mối là các thủ lĩnh của các hội, hiệp hội, CLB DN, những thành viên tích cực trong công tác hỗ trợ. Tiến tới, xây dựng được hệ sinh thái hỗ trợ DN, liên kết giữa các hội, hiệp hội nhằm tạo các sân chơi, môi trường cho DN phát triển bền vững, đưa chính sách vào đời sống.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

TIN MỚI

App h5 vay nhanh
Return to top