ClockThứ Năm, 29/08/2019 13:45

Ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em – bài 2: Ngăn chặn và phòng ngừa

TTH - Nhiều giải pháp tích cực, sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức, dự án được triển khai trên địa bàn Thừa Thiên Huế nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng trẻ lao động sớm.

Ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em - Bài 1: Khi phố Tây lên đèn

Xã Phú Diên, huyện Phú Vang có nhiều nỗ lực ngăn chặn tình trạng trẻ bỏ học, lao động sớm

Hỗ trợ trẻ đến trường

Ba mất sớm, mẹ vào Nam làm giúp việc, Phạm Thị Yến N., học sinh lớp 9, Trường THCS Lộc Bổn cùng hai em sống nương nhờ ông bà ngoại. Nhi cố gắng học giỏi, vậy nhưng, cũng không ít lần em muốn nghỉ học để phụ mẹ. Từ năm lớp 6, Nhi được sự hỗ trợ của dự án “Ngăn chặn tình trạng trẻ em di cư tự do đi làm ăn xa và bị lạm dụng sức lao động tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (tổ chức phi Chính phủ của Úc) phối hợp thực hiện. Nhi bộc bạch: “Hàng năm, em được tặng học bổng gồm sách vở, quần áo và học phí. Chi phí học tập không phải lo nên em cố gắng vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường”.

Trần Thị Mỹ L. (học sinh lớp 12, Trường THPT An Lương Đông) cũng từng nghỉ học vào năm lớp 9 để học nghề làm tóc với dự định theo mẹ sang Lào làm ăn. Một thời gian sau, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh vận động, hỗ trợ Linh tiếp tục trở lại trường. Những hỗ trợ này chắp cánh cho Linh nuôi ước mơ trở thành kỹ sư ngành kỹ thuật ô tô trong tương lai.

Sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giúp các em học sinh khó khăn yên tâm đến trường

Để góp phần ngăn chặn trẻ lao động sớm, dự án đã tổ chức các hoạt động thiết thực tại 14 xã hưởng lợi thuộc 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc. Giai đoạn 2014 - 2017, dự án khảo sát nắm tình hình những trẻ bỏ học lao động sớm có nhu cầu quay trở về địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ đưa các em trở lại gia đình và trường học. Đồng thời, hỗ trợ sách vở, đồng phục, nộp học phí và các chi phí học tập cho trẻ di cư lao động sớm và trẻ có nguy cơ (kinh phí hỗ trợ trong 4 năm trên 2 tỷ đồng cho trên 1.000 lượt trẻ), cũng như định hướng nghề, hỗ trợ trẻ tiếp cận đào tạo nghề và việc làm (đối với trẻ không muốn đến trường).

Trong 4 năm, dự án tổ chức 10 lượt đón 39 trẻ bỏ học lao động sớm trở về, đồng thời hỗ trợ về tinh thần, vật chất cũng như các thủ tục liên quan để các em trở lại trường học. Dự án còn triển khai hỗ trợ sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn để họ có vốn làm ăn, có điều kiện lo cho con ăn học ổn định. Nhà ở của trẻ trong dự án cũng được hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa, xây mới…

Bà Ngô Phương Anh, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN tỉnh cho hay, dự án đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn để nâng cao nhận thức cho các ông bố, bà mẹ biết những nguy cơ con em mình có thể đối mặt nếu bỏ học đi lao động sớm. Điều này thay đổi nhận thức và hành vi của các bậc phụ huynh”.

Giảm “điểm nóng”

Khoảng 10 năm về trước, xã Phú Diên (huyện Phú Vang) có nhiều trẻ bỏ học di cư lao động sớm. Năm 2010, địa phương này từng vào TP. Hồ Chí Minh đưa 13 trẻ hồi gia. Ông Nguyễn Minh Hiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên, cho hay: “Năm 2012, Phú Diên triển khai xây dựng mô hình không có trẻ em lang thang lao động sớm với những hoạt động thiết thực, như theo dõi sát sao tình trạng trẻ bỏ học, đặc biệt là đầu năm học, sau tết. Phát hiện em nào nghỉ học, chúng tôi đến nhà vận động. Em nào đi lao động sớm, địa phương phối hợp với gia đình vận động đưa các em về, hạn chế tối đa trẻ lao động trước tuổi như những năm 2010 trở về trước”.

Trước đây, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc là một trong những “điểm nóng” của tình trạng trẻ bỏ học di cư lao động sớm. Mỗi năm, địa phương này có đến 20 - 30 em bỏ học đi làm ở các tỉnh phía Nam hoặc sang Lào. Đến mức, Lộc Bổn phải thành lập Ban chống học sinh bỏ học giữa chừng với sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Ông Bạch Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, phấn khởi: “Hiện nay, tỷ lệ này giảm xuống thấp nhất trên địa bàn huyện. Đây là nỗ lực của chính quyền địa phương, nhà trường trong việc nắm tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh khó khăn của những học sinh có nguy cơ bỏ học để hỗ trợ kịp thời, kể cả bồi dưỡng kiến thức nếu các em học chưa tốt. Kết quả này còn có sự hỗ trợ của Tổ chức Rồng Xanh và Hội LHPN tỉnh đã tác động ý thức giúp các em vượt qua khó khăn”.

Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân được cải thiện sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ bỏ học lao động sớm. Trước kia, nhiều trẻ vào lao động ở miền Nam được đưa về hồi gia thì mấy năm gần đây, tình trạng này giảm hẳn. Để có kết quả này, ngoài nỗ lực chung của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, nhiều chương trình cụ thể được triển khai nhằm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tình trạng trẻ em bỏ học lao động sớm vẫn còn diễn ra. “Một bộ phận không nhỏ trẻ em do đua đòi bạn bè, học yếu dẫn đến lười học, muốn bỏ học di cư vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn. Nhiều trường hợp trẻ lao động sớm đã lên danh sách nhưng vẫn không đưa các em về được do gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ hậu quả của việc bỏ học, lao động sớm”, bà Ngô Phương Anh nói.

Đẩy lùi nạn chăn dắt

Ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn chăn dắt, hành xác người già và trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước và của toàn xã hội. Biện pháp trước mắt là nên xử phạt vi phạm hành chính đối với những bậc cha mẹ cho trẻ đi ăn xin, bán hàng rong vì đã vi phạm quyền trẻ em. Những địa phương nào để xảy ra tình trạng người ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách… người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Về lâu dài, cần hoàn thiện khung pháp lý, ban hành các chế tài để xử lý hiệu quả, tránh tái phạm; xây dựng lực lượng phản ứng nhanh (như đội xử lý thông tin về người ăn xin ở TP. Đà Nẵng) để ngăn chặn kịp thời những hành vi đối xử tàn nhẫn, bóc lột sức lao động của trẻ em. Mặt khác, cần tuyên truyền và phát huy tối đa sự hỗ trợ của người dân, các đoàn thể, tổ dân phố trong việc phát hiện, tố giác những đối tượng chăn dắt.

Theo ông Trương Minh Đến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes), trẻ em đi lao động trên đường phố gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm và các nguy cơ mất an toàn trong không gian thiếu vắng người thân, thời gian về khuya. Gia đình trẻ em lao động đường phố cũng là một trong những nhân tố có xâm hại các em: cha mẹ ép buộc trẻ em đi bán trên đường phố, người thân xâm hại thân thể, tinh thần...

Để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em lao động đường phố, dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế” được Codes thực hiện với sự tài trợ của tổ chức Plan International và quỹ TUI Care. Với tổng ngân sách 7,5 tỷ đồng được thực hiện từ 2017 đến 2020, dự án tập trung hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học, phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, gia đình các em được cải thiện sinh kế. Hàng năm, Codes hỗ trợ các em trong đối tượng của dự án các phương tiện, dụng cụ học tập, giúp các em học tốt hơn và không bỏ học giữa chừng. Codes đã hỗ trợ 167 trẻ em đường phố nhận học phí, bảo hiểm…

Minh Hiền – Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa

Hãng tin UN News ngày 7/12 cập nhật, được hơn 140 quốc gia ủng hộ, trong phiên họp mới nhất diễn ra vào ngày 6/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết thúc đẩy cuộc chiến chống buôn bán trái phép tài sản, hiện vật văn hóa và tạo điều kiện trả lại các hiện vật bị đánh cắp cho quốc gia xuất xứ.

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa
Cùng ngăn chặn bạo lực gia đình

Bên cạnh những gia đình luôn tôn trọng, lưu giữ giá trị tốt đẹp từ lễ nghi cho đến các mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, sự hiếu thảo của con cái đối với ông bà, cha mẹ thì đâu đó tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra. Đó được xem như là vấn nạn nghiêm trọng.

Cùng ngăn chặn bạo lực gia đình
Đừng lạm dụng tiếng lóng

Cuối tuần, cô cháu gái khoe, lớp con tổ chức hoạt động trải nghiệm về chủ đề “Ngôn ngữ của tuổi teen”. Ý tưởng này khá hay và được rất nhiều phụ huynh đồng tình, khi thực trạng sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “tự chế” của học sinh ngày càng phổ biến.

Đừng lạm dụng tiếng lóng

TIN MỚI

Return to top