|
Ngôn ngữ tuổi teen thách thức người lớn khi thực trạng sử dụng ngôn ngữ theo kiểu “tự chế” của học sinh ngày càng phổ biến. Ảnh: D. Trương |
“Được lời như cởi tấm lòng”, chị tôi bảo, hai mẹ con thường xuyên tranh luận bởi chị không đồng tình khi con sử dụng những dấu *, #, @,... để biến đổi các con chữ. Nhất là, con sử dụng tiếng lóng mọi lúc, mọi nơi tạo ra trở ngại khi giao tiếp với người lớn.Thế nên, khi nghe con gái chuẩn bị “kịch bản” để tham gia chủ đề “Ngôn ngữ của tuổi teen”, chị mừng, hy vọng con sẽ ngộ ra nhiều điều để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Không theo bất cứ quy ước nào, nhưng kiểu ngôn ngữ tự chế này lại được nhiều bạn trẻ bắt “trend” khá nhanh. Thậm chí, có em còn xem sử dụng ngôn ngữ mạng là sành điệu. Đáng lo ngại, có em sử dụng tiếng lóng để nói tục hay bày tỏ thái độ mỗi khi không vừa lòng. Em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 10 Trường THPT Gia Hội cho hay: Em thích sử dụng những ký tự, tiếng lóng để trò chuyện với bạn bè vì gần gũi, dí dỏm, truyền đạt thông tin nhanh hơn và đó cũng là cách giải tỏa stress. Thậm chí, không còn lo lắng khi bố mẹ có đọc được tin nhắn cũng không hiểu chúng em nói gì. Phương Anh liệt kê hàng loạt câu từ mà em và các bạn thường dùng để nói chuyện với nhau: “Buồn” thành “bùn”, “luôn” thành “lun”, “rồi” thành “rùi”, “nhá” thành “nhóe”, “xinh” thành “xưn, xuynh”, “thế” thành “thía”, “làm sao” thành “nàm thao”, “xin lỗi” thành “sin lỗi” ...
Một cô giáo dạy trung học cơ sở tỏ ra lo ngại khi thỉnh thoảng học sinh đưa ngôn ngữ tự chế vào bài kiểm tra, bài thi. Lo ngại là có cơ sở, bởi nếu thường xuyên sử dụng tiếng lóng sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển tư duy, kỹ năng giao tiếp, nhất là trình bày ý tưởng của các em. Ngay cả khi các em nhắn tin cho cô giáo bằng tiếng Việt mà cô phải dịch nghĩa khá lâu mới đọc được nội dung. Không khó hiểu khi do các em sử dụng quá nhiều từ lóng đã hình thành thói quen khó bỏ, lại đem áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng.
Trở lại câu chuyện các lớp tổ chức hoạt động trải nghiệm về ngôn ngữ tuổi teen, tôi thấy đây thật sự cần thiết. Cháu gái tôi tâm đắc với đúc kết của cô giáo: Ngôn ngữ không chỉ giao tiếp mà nó còn thể hiện phẩm chất đạo đức, trình độ và lối sống của mỗi người. Nếu cứ phóng túng và tự do với ngôn ngữ sẽ khiến người khác thiếu thiện cảm.
Trong giáo dục, định hướng học sinh về sử dụng ngôn ngữ, cách thức giao tiếp, ứng xử thì trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh rất quan trọng. Có ý kiến cho rằng, các em đang được học quá nhiều kiến thức ngôn ngữ mà ít được dạy về kỹ thuật giao tiếp, điều đó phần nào dẫn đến tình trạng tiếng lóng được sử dụng sai, không đúng mực. Vì vậy, các em cần được học để biết cách sử dụng tiếng lóng như thế nào, ở mức độ nào là phù hợp. Còn về phía phụ huynh cũng cũng cần tăng cường quản lý, giám sát và rèn con trong giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ cả ở đời sống hằng ngày và cả trên mạng xã hội.
Không khắt khe khi thế hệ trẻ tạo nên những mã ngôn ngữ để giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, sự sáng tạo dù trong hoàn cảnh nào cũng phải phù hợp với thước đo chuẩn mực. Vẫn biết ngôn ngữ giao tiếp rộng mở, nhưng đừng quá lạm dụng!