Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 500 đại biểu tại đầu cầu truyền hình Hà Nội cùng từ 50-100 đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố.
Tại đầu cầu Thừa Thiên Huế có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương cấp huyện.
Đạt nhiều thành tựu to lớn
Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Chinhphu.vn
Đây là sự kiện quan trọng để nhìn lại 10 năm thực hiện chương trình “tam nông”. Theo Ban Kinh tế Trung ương, có thể khẳng định Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (Nghị quyết 26-NQ/TW) là nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng.
Kết quả 10 năm cho thấy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25% và tỷ trọng chăn nuôi tăng lên mức 27,2% năm 2017. Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến việc khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá, trái cây… Góp phần tăng trưởng GDP năm 2017 của ngành nông nghiệp đạt 2,66%; quy mô GDP cả ngành năm 2018 tăng gấp 1,25 lần.
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng. Trình độ khoa học trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả, tạo ra việc làm cho 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề.
Đảng và Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao độ, coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh, qua 10 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; vai trò và vị thế của người nông dân ngày càng được nâng lên…
Hội nghị hôm nay có thể coi là “Hội nghị Diên Hồng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới”, Đoàn Chủ tịch Hội nghị rất mong nhận được các ý kiến chia sẻ tâm huyết, xây dựng và trách nhiệm của các --+đại biểu để có thể tổng hợp, chắt lọc vào một Nghị quyết ý Đảng, lòng dân cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình thẳng thắn.
Thừa Thiên Huế ấn tượng với xây dựng nông thôn mới
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thái Bình
Tại Thừa Thiên Huế, sau 10 năm thực hiện chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư; chương trình xây dựng NTM được tập trung thực hiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Cùng với đó, các lễ hội truyền thống được khôi phục, hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên và được Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ…
Đáng chú ý, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020. Cụ thể, năm 2017 tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 3,5%/năm (kế hoạch đến 2020 đạt ít nhất 2%); sản lượng lương thực có hạt đạt trên 33,4 vạn tấn (chỉ tiêu 27 vạn tấn), sản lượng thóc đạt 32,7 vạn tấn (chỉ tiêu 26 vạn tấn); diện tích trồng rừng hàng năm đạt 5.670 ha ( mục tiêu đề ra 4.000- 4.500ha), độ che phủ rừng đạt 57,32%; khai thác thủy sản tiếp tục phục hồi, đạt 36.300 tấn, tăng 15,4%, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 14.700 tấn, tăng 4,8% so với năm 2016.
Trồng rau công nghệ cao tại thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang. Ảnh: Thái Bình
Cơ giới hóa nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ; tỉ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm theo tiêu chuẩn đa chiều còn 8,7% (giảm 1,6% so với năm 2016); đầu tư kết cấu hạ tầng có trọng điểm, trong đó ưu tiên hạ tầng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, việc làm, tăng thu nhập thực tế của người dân, đảm bảo an sinh xã hội…
Chương trình xây dựng NTM tạo được lòng tin và sự đồng thuận cao của người dân. Từ năm 2009 đến năm 2017, tổng nguồn vốn đầu tư khu vực nông thôn đạt 7.516 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội theo tiêu chí NTM. Nhiều địa phương làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất xây dựng hạ tầng, đóng góp nguồn lực để xây dựng, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, hộ gia đình tự giác đâu tư sản xuất, cải tạo nhà cửa; các tổ chức chính trị xã hội phát động nhiều phong trào, xây dựng kế hoạch cụ thể cho tổ chức mình để thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Dự kiến cuối ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị. Trước đó, Thủ tướng đã cùng các đại biểu đã cắt băng khai mạc triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn với quy mô hơn 100 gian hàng của các doanh nghiệp tiêu biểu trưng bày.
Tin, ảnh: Thái Bình