Du lịch phục hồi rất nhanh. Mới chỉ ở mảng khách nội địa một trong những điểm du lịch dịp lễ 30/4 đón một lượng khách rất lớn, trong đó có Huế. Những nhận định trước đây rằng, du lịch sẽ như chiếc lò xo bị nén lâu ngày có thể bật mạnh quả là không sai.
TP. Huế có một diện mạo tươi tỉnh hẳn lên trong những ngày vừa qua. Nhưng có vẻ như vì “chiếc lò xo du lịch” nó bật quá nhanh, quá mạnh nên có những lĩnh vực dịch vụ chuẩn bị chưa kịp để đáp ứng tốt nhu cầu của khách!
Về dịch vụ lưu trú ở Huế có thể tạm chia làm 2 phân khúc – các khách sạn có quy mô vừa và lớn và các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ (khách sạn nhỏ, homestay, căn hộ cho thuê, nhà nghỉ…). Vì tính chất lớn, để vận hành phải cần đến một bộ máy nguồn nhân lực lớn và kể cả các loại chi phí khác như điện, nước, dịch vụ nhà hàng… nên không phải bất cứ khách sạn lớn nào cũng đều mở cửa. Đón mấy mươi phần trăm công suất cũng đều như vậy để vận hành nên nhiều khách sạn còn chần chừ? Cũng có thể họ chờ đợi mảng du lịch quốc tế phục hồi hẳn mới mở cửa hoạt động bình thường trở lại. Thế là một lượng khách lớn tập trung vào phân khúc các cơ sở lưu trú nhỏ. Phân khúc này có thể nói “cháy phòng” trong dịp vừa qua. Chiếu theo quy luật cung cầu, mặt hàng nào khan hiếm thì giá nhúc nhích tăng.
Một số dịch vụ khác cũng trở nên khan hiếm. Ví dụ như dịch vụ cho thuê xe máy. Dịp 30/4 vừa qua không dễ gì thuê được chiếc xe máy nếu không đặt trước. Trước đây thì thuê mấy ngày, người cung ứng cũng phục vụ. Nay thì người cho thuê có nhiều yêu sách – người thuê phải đến tại cơ sở để nhận xe, nếu giao tận nơi trong thành phố thì phải trả thêm phụ thu 50.000đ/chiếc. Thế là một chiếc xe máy tay ga hiệu Air Blade lên đến cả 200.000đ/ngày. Đây là một cái giá “hơi chát” đối với khách. Dù có đến tại cơ sở để nhận xe hay được giao tận nơi thì đều phải chịu một cái giá như nhau. Vì muốn đến nhận xe thì phải đi taxi, có khi tính ra chi phí còn cao hơn nên nhiều khách phải chấp nhận. Nếu chiếu theo quy luật của thị trường thì việc tăng giá trong những lúc khan hiếm hàng cũng là lẽ đương nhiên. Ngay như mặt hàng xăng dầu cũng có sức tác động mạnh mẽ đến sự vận hành của nền kinh tế mà cũng cứ tăng lên, huống gì là chiếc xe máy. Nhưng xét về bản chất của dịch vụ thì có thể là chưa tốt. Muốn xây dựng một thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu du lịch – một ngành chiếm đến vài chục phần trăm trong tổng GRDP của một địa phương thì phải xây dựng những hình ảnh tốt đẹp trong lòng du khách. Vì làm ăn là làm ăn cả đời. Muốn khấu hao tài sản cũng phải đưa ra một lộ trình phù hợp để có một cái giá cung cấp dịch vụ hợp lý chứ không phải là chuyện “ăn xổi ở thì”. Qua một mặt hàng cho thuê xe máy, chúng ta thấy cách cung cấp dịch vụ có điều gì đó chưa ổn.
Một nhà hàng cơm niêu khá nổi tiếng trên một đường phố chính của Huế. Một lượng khách trong những ngày lễ đông không thể tưởng tượng. Ô tô cứ nườm nượp đến, vậy là ảnh hưởng đến giao thông. Đây là một ví dụ nữa về sự chuẩn bị cho việc kinh doanh chưa tốt. Một nhà hàng lớn thì phải tính toán các điều kiện kèm theo, ví dụ như nơi đậu ô tô, xe máy. Người kinh doanh chỉ lo kiếm lời trên khách còn nơi đậu ô tô thì đã có... đường phố gánh. Mà đường phố là nơi công cộng chứ đâu phải là không gian riêng của nhà hàng.
Rồi cũng nghe những chuyện ì xèo về nơi này nơi kia, mặt hàng này mặt hàng kia, dịch vụ này dịch vụ kia tăng giá.
Những điều nêu trên chỉ là những ví dụ nhỏ về sự chuẩn bị để cung ứng dịch vụ. Cũng khó trách được những người kinh doanh nhưng thực tế nêu trên cũng làm cho chúng ta ngẫm nghĩ về việc cung ứng dịch vụ du lịch của Huế.
Tiếp xúc nhiều du khách, đa phần là họ khen Huế đẹp, người Huế thân thiện, mặt bằng giá cũng phải chăng. Những biểu hiện nhỏ nói trên nêu ra cũng là “để tự răn” mình vậy.
Lê Bình Nhiên