Nhiệm vụ mà Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan và các nghệ nhân là phải suy nghĩ, tìm tòi để hình thành cho được sản phẩm quà lưu niệm ý nghĩa, thể hiện được đặc trưng văn hóa Huế, có chất lượng và công năng sử dụng tại Festival Huế 2020 và lâu dài.
Thực tế là đến nay, qua nhiều kỳ tổ chức Festival Huế, việc tìm kiếm, lựa chọn cho được món quà lưu niệm phù hợp để tặng quan khách, đại biểu và nghệ sĩ tham gia lễ hội vẫn còn loay hoay.
Cách đây không lâu, trao đổi về sản phẩm quà lưu niệm ở Huế, lãnh đạo Sở Công thương bày tỏ, dù có nhiều tiềm năng nhưng mỗi khi cần chọn món quà lưu niệm nào đó tặng ngoại giao các chính khách, đối tác kinh tế… của tỉnh thì lúng túng. Nhiều quà tặng thể hiện được đặc trưng riêng của Huế nhưng khó sử dụng, vận chuyển vì kích cỡ to, cồng kềnh. Trong khi những loại quà đạt tiêu chí tiện dụng lại chưa thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của Huế.
Câu chuyện trên là vấn đề đáng trăn trở, bởi Huế từ lâu đã là thành phố du lịch, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách. Cả tỉnh có hơn 100 làng nghề truyền thống, trong đó không ít làng nghề nổi tiếng. Thế nhưng, thị trường quà lưu niệm ở Huế lâu nay chủ yếu vẫn là hàng ngoại lai.
Cách đây nhiều năm, về thăm Huế từ Pháp, sau khi dạo quanh các làng nghề, tại buổi nói chuyện với sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, họa sĩ Lê Bá Đảng băn khoăn. Ông nói, làng nghề là vốn quí của Huế. Làm sao để những nghề ấy góp phần nuôi du lịch và du lịch phải nuôi được các làng nghề.
Số liệu được công bố mới đây tại một hội nghị trực tuyến cấp tỉnh liên quan đến làng nghề cho thấy. Hiện, 30 làng nghề còn sống được ở Huế mỗi năm đem lại giá trị khoảng hơn 370 tỷ đồng, giải quyết một lượng đáng kể lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, với tiềm năng lớn nhưng giá trị kinh tế các làng nghề tạo ra hiện chỉ chiếm 1% GRDP (tổng sản phẩm của tỉnh). Nhiều rào cản tại làng nghề cũng được chỉ ra như thiếu hụt thế hệ kế cận, thiếu năng lực thiết kế mẫu, công tác quảng bá chưa được đầu tư, mối liên kết 3 nhà (chính quyền – doanh nghiệp – làng nghề) lỏng lẻo...
Mới đây, tham gia diễn đàn trên Báo Thừa Thiên Huế về định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế, một trong những vấn đề các chuyên gia lưu tâm là làm thế nào để hài hòa giữa công tác bảo tồn và tạo ra giá trị kinh tế cho Huế trên nền tảng di sản, văn hóa nhằm tăng thu nhập cho người dân, tăng giá trị dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách...
Không chỉ có làng nghề và thị phần quà lưu niệm. Thừa Thiên Huế đang sở hữu “mỏ vàng” về hệ thống di sản, cảnh quan thiên nhiên, là “chất liệu” để hình thành ngành công nghệ du lịch văn hóa - di sản. Mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã được đặt ta từ lâu nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Một trong những vấn đề đã được đặt ra tại không ít hội thảo, hội nghị, là: Nếu nguồn thu của du lịch Huế chỉ dựa vào khai thác thô tiềm năng (bán vé tham quan di tích) như lâu nay thì rất lãng phí tài nguyên.
Làm sao để di sản hái ra tiền một cách bền vững, phù hợp đang là bài toán phát triển của Huế. Điều đó phụ thuộc vào năng lực của chính quyền – doanh nghiệp – người dân mà cái khó, sự lấn cấn trong công nghệ làm dịch vụ du lịch ở Huế trên nền tảng văn hóa di sản phần nào đang lộ ra, trong sự loay hoay về món quà lưu niệm.
Kim Oanh