ClockThứ Hai, 05/06/2023 06:07
KỶ NIỆM 112 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911 – 5/6/2023)

Nguyễn Ái Quốc với chí sĩ Phan Chu Trinh trên bước đường cứu nước

Lâu nay, giới học giả và báo chí nói rất nhiều về mối quan hệ giữa chí sĩ Phan Chu Trinh với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người tìm đường cứu nước, đặc biệt là thời gian ở Pháp. Vậy, mối quan hệ đó như thế nào, bắt nguồn từ đâu và chí sĩ Phan Chu Trinh đã giúp đỡ những gì cho Nguyễn Ái Quốc…?

Hai ngôi trường Bác Hồ từng học ở HuếĐảng Cộng sản Nga tổ chức míttinh kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng MườiNhững điều tiên báo về tầm vóc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

leftcenterrightdel
 Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920. Ảnh: Tư liệu

1.Trước hết, mối quan hệ giữa hai yếu nhân này bắt nguồn từ tình bạn giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc/Huy (thân sinh Nguyễn Ái Quốc) và cụ Phan Chu Trinh. Tình bạn giữa cụ Phan và cụ Nguyễn là tình đồng khoa, đồng chí hướng (cùng đỗ Phó bảng khoa thi năm Tân Sửu (1901) và cả hai chán cảnh quan trường nô lệ).

Gần đây, một số nguồn sử liệu xác nhận, vào 3/1911, đã diễn ra cuộc gặp giữa Phan Chu Trinh và Nguyễn Tất Thành tại Mỹ Tho thông qua cụ Nguyễn Sinh Huy. Trong cuộc gặp này, Phan Chu Trinh đã hướng dẫn cho Nguyễn Tất Thành cách sang Pháp cũng như những bước tiếp theo khi Thành đến được Pháp. Chính cuộc gặp này đã tạo cơ sở cho những hoạt động về sau giữa Phan Chu Trinh với Nguyễn Tất Thành tại Pháp.

Như vậy, giữa hai nhân vật này đã có mối quan hệ khá thân thiết từ trong nước. Chính mối quan hệ này đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành rất nhiều trên bước đường vào Nam chuẩn bị xuất dương cứu nước và ngay cả sau này trên đất Pháp.

Sau cuộc gặp này, cụ Phan rời Sài Gòn ngày 1/4/1911 và đến Pháp vào ngày 27/4 cùng năm, cư ngụ tại Paris. Sau đó 2 tháng, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành cũng rời Sài Gòn trên con tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu hành trình xuất dương tìm đường cứu nước. Đến ngày 15/7/1911, Tất Thành (Văn Ba) lần đầu tiên đặt chân lên cảng Le Havre nước Pháp, sau đó tiếp tục hành trình đi qua các châu lục.

2. Trong thời gian ở Mỹ và Anh, Nguyễn Tất Thành đã viết nhiều thư gửi cụ Phan Chu Trinh đang ở Pháp. Nguyễn Tất Thành gọi cụ Phan bằng bác, xưng cháu và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ cụ Phan. Nhờ đó, Nguyễn Tất Thành có cơ hội tiếp xúc với Luật sư Phan Văn Trường, cùng nhiều yếu nhân khác đang ở Paris.

Sau nhiều năm bôn ba khắp các châu lục, cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành quyết định rời Anh sang Pháp nhằm thực hiện hoài bão của mình. Ngay khi trở lại Pháp, Nguyễn Tất Thành được Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường giúp đỡ nhiều thủ tục, giấy tờ cư trú, cho vào tá túc cùng tại ngôi nhà số 6, Villa des Gobelins ở quận 13 Paris.

Khi anh Nguyễn sang Pháp, chính Phan Chu Trinh là một trong những người chu cấp tài chính cho nhà cách mạng trẻ tuổi này. Mật báo ngày 11/2/1920 của mật thám Jean viết: “Quốc nhờ phụ cấp của ông Trường, ông trả tiền nhà, còn Phan Chu Trinh và Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh) cho tiền mua thức ăn. Tất cả không quá 500 quan mỗi tháng. Hiện Phan Chu Trinh đang làm nghề chữa ảnh ở Pons. Ông kiếm được mỗi ngày độ 30-40 quan”... Tháng 6/1919, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và một người Việt Nam yêu nước khác ở Paris quyết định thảo bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị các nước thắng trận trong chiến tranh Thế giới thứ nhất họp tại Versailles và thống nhất để anh Nguyễn thay mặt đứng tên trong bản “Yêu sách” với danh xưng Nguyễn Ái Quốc. Ngày 18/6/1919, qua báo L’Humanité và Journal du peuple, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện trên chính trường Paris với tư cách đại diện cho nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp”.

Từ năm 1922 - 1925, chí sĩ Phan Chu Trinh và nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã viết cho nhau rất nhiều thư trao đổi. Trong lá thư viết ngày 28/2/1922, từ Marseille gửi cho Nguyễn Ái Quốc ở Paris để tranh luận về phương pháp cứu nước, cụ Phan đã viết: “Mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi thời lại không thích cái phương pháp “ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” (nằm ở nước ngoài chiêu hiền nạp sĩ, đợi thời cơ về nước hoạt động) của anh. Thực tình, từ trước tới nay tôi chẳng bao giờ khinh thị anh mà ngược lại, tôi còn cảm phục anh nữa là khác”…

Dù còn những điều khác biệt trong quan điểm cứu nước giữa cụ Phan với Nguyễn Ái Quốc, nhưng những kinh nghiệm của cụ Phan đã giúp ích rất nhiều cho Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động tại Pháp. Điều này được cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã có lần nhắc đến mối quan hệ giữa Bác và cụ Phan: “Tôi đã nghe Bác nói nhiều về cụ Phan. Bác cho biết trước khi lên đường đã được cụ hướng dẫn. Nhận một công việc thời đó cho là thấp kém để dễ qua mặt mật thám khi xuất dương là theo gợi ý của cụ. Qua đến Pháp là tiếp xúc ngay với cụ. Quan hệ giữa Bác với cụ rất gần gũi, thân thiết như ruột thịt”.

Cụ thể, ngay khi sang Pháp được 3 tháng, tháng 9/1911, Nguyễn Tất Thành đã đệ đơn bằng tiếng Pháp lên cho Tổng thống Pháp để xin vào học nội trú tại trường Thuộc địa. Việc viết một lá đơn bằng tiếng Pháp đối với Nguyễn Tất Thành lúc này là không phải dễ, vì mấy năm sau Người mới thông thạo tiếng Pháp. Trong khi đó, Phan Chu Trinh thời điểm này đang ở gần trường Thuộc địa, hay thường xuyên qua lại với Phan Văn Trường, Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký), Bùi Kỷ… Chắc chắn, những nhà trí thức giỏi Pháp văn này đã giúp Nguyễn Tất Thành thảo đơn giúp, thông qua mối quan hệ với cụ Phan. Đồng thời, cụ Phan còn hướng dẫn cho Nguyễn Tất Thành nhiều điều khác nữa trong những tháng ngày đầu tiên trên đất khách.

Tháng 6/1925, cụ Phan Chu Trinh về nước. Trong thời gian tĩnh dưỡng tại Sài Gòn, trước khi qua đời (1926), cụ Phan có gặp lại cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và cụ Phan có trăng trối lại với những người bạn rằng: “Độc lập của dân tộc ta sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc”. Chứng tỏ, cụ Phan hiểu được ý chí, cùng con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và rất mong chờ vào anh!

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trên bước đường hoàn lương

Trên bước đường hoàn lương của những phụ nữ hoặc người thân của họ luôn có sự giúp đỡ, đồng hành của các cấp hội. Đó là sự động viên về tinh thần, tạo điều kiện để họ được tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, có động lực làm lại cuộc đời.

Trên bước đường hoàn lương
Kỷ niệm 113 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024)
Mảnh đất hun đúc ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Người

Thừa Thiên Huế vinh dự và tự hào là mảnh đất đã có những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình Người sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trong khoảng gần 10 năm, trải qua hai giai đoạn (1895 - 1901) và (1906 - 1909).

Mảnh đất hun đúc ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Người
Bước chân từ xứ Nghệ, xứ Huế

Xứ Nghệ tiếp nối với xứ Huế trên con đường đi về phương Nam của người Việt. Khí chất cương cường và khát vọng vươn lên mãnh liệt của con người miền Hoan Ái suốt nghìn năm qua đã hun đúc, làm nên truyền thống cách mạng nổi bật.

Bước chân từ xứ Nghệ, xứ Huế
Return to top