ClockThứ Sáu, 19/05/2023 06:49
KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2023)

Hai ngôi trường Bác Hồ từng học ở Huế

TTH - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không có nhiều thời gian được học tập tại các trường học. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người theo học tại 4 trường. Đáng nói là, một nửa trong số đó tại Huế: Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc Học.

Dâng hoa kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh Lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí MinhDâng hoa sen lên Chủ tịch Hồ Chí Minh

leftcenterrightdel
Trường Quốc Học Huế - nơi Bác Hồ đã học (trong ảnh các học sinh trình diễn văn nghệ trong buổi chào cờ đầu tuần). Ảnh: Đoàn Trường THPT chuyên Quốc Học Huế 

Từ Trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba

Tháng 5/1906, ông Nguyễn Sinh Huy vào Huế nhận chức sau khi thi đỗ Phó bảng, đưa Nguyễn Tất Thành theo cùng. Dừng học ở trường Pháp - bản xứ tại thành phố Vinh, Nguyễn Tất Thành được xin chuyển vào Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba.

Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba được thành lập năm 1905, trên nền đình chợ Đông Ba cũ. Lúc đầu, trường có tên "Thừa Thiên Pháp - Việt trường". Đây là trường Pháp - Việt bậc tiểu học đầu tiên ở Huế. Năm 1923, trường được di chuyển đến địa điểm Trường THPT Gia Hội ngày nay. Vị trí cũ nay là vườn hoa nằm trên đường Phan Đăng Lưu, thuộc phường Đông Ba, thành phố Huế. Trường gồm 10 gian chia làm 5 phòng, mái lợp ngói liệt. Cổng chính hướng nam, được xây bằng gạch, xung quanh tường bao bọc sân rộng trồng bàng và mù u. Thứ tự từ cổng vào là lớp nhất, kế đến lớp nhì; lớp ba; lớp tư; lớp ấu học và văn phòng. Mỗi lớp khoảng 40 học sinh.

Bác Hồ học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba lớp nhì, niên khoá 1906 - 1907 và lớp nhất, niên khóa 1907 - 1908. Được biết các năm đầu học ở đây, học sinh được dạy bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Hán, Việt. Lên năm trên, tiếng Hán bị hạn chế. Các môn học gồm Pháp văn (chủ yếu), Quốc văn, Hán văn, toán, sử, địa, khoa học, tập vẽ. Học sinh từ lớp ba trở lên đã nói được tiếng Pháp. Các bạn học cùng lớp với Bác Hồ có Lê Thiện, Phan Văn Quế, Nguyễn Viết Nhuận… Học sinh lúc ấy mặc áo dài đen, quần trắng bằng vải quyến, đầu đội khăn đóng, đi guốc mộc.

Thời gian học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn thường xuyên nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư (nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn) về đọc mở mang kiến thức. Thành cùng bạn bè tìm hiểu và khám phá sự trái ngược giữa thực tế cuộc sống với những điều trong sách vở, đặc biệt là khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà thực dân Pháp rao giảng.

Đến mái trường hồng Quốc Học

Trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học 1908, Nguyễn Tất Thành là một trong 10 học sinh giỏi nhất Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học của Trường Quốc Học niên khóa 1908 - 1909. Tham gia chống thuế khi đang là học sinh Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba vào tháng 4/1908, tuy bắt đầu bị thực dân Pháp theo dõi, song Nguyễn Tất Thành vẫn được ông Hiệu trưởng Quốc Học Chouquet tiếp nhận vào học tại trường.

Nguyễn Tất Thành vào lớp trung đẳng, tức lớp nhì tại Trường Quốc Học Huế. Những năm đó, Trường Quốc Học có hai dãy nhà lợp tranh, tường gạch, cột gỗ, cổng trường xây 2 tầng. Các thầy giáo của Trường Quốc Học có cả người Pháp và người Việt Nam, trong đó có những người yêu nước như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến. Chính nhờ ảnh hưởng của những người thầy giáo yêu nước, có tư tưởng tiến bộ đó mà ý muốn sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước hình thành và lớn dần lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.

Năm Nguyễn Tất Thành vào Trường Quốc Học cũng là thời kỳ mà Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi, đặc biệt là trong giới sĩ phu yêu nước. Những tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đã thức tỉnh một số không nhỏ những người có học. Đất Thừa Thiên cũng dấy lên các phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động, trong đó có cả cuộc vận động cắt tóc ngắn. Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào phong trào cắt tóc ấy. Ngoài giờ học, Bác cũng cầm kéo ra chợ, vận động đồng bào cắt tóc.

Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6/1909, cụ Nguyễn Sinh Huy có mặt ở Bình Định để chấm thi, sau đó được bổ nhiệm chức đồng tri phủ lãnh chức tri huyện Bình Khê. Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc Học, theo cha vào Bình Định, tiếp tục  đi vào Nam, rồi sang phương Tây tìm đường cứu nước.

Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

Hiện nay, tại vị trí trường cũ là khuôn viên của vườn hoa Đông Ba, đường Phan Đăng Lưu, phường Đông Ba, TP. Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã dựng bia kỷ niệm, lưu lại dấu ấn về thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh từng học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Di tích lịch sử địa điểm Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 28/10/2008.

Trường Quốc Học, nơi lưu dấu ấn về người học trò xuất sắc Nguyễn Tất Thành tại Huế, đã được công nhận là di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 26/3/1990. Đặc biệt, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt  (gồm 4 di tích đã được xếp hạng Quốc gia trước đây là: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan; Địa điểm Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ và Đình làng Dương Nỗ).

Trường Quốc Học nhiều lần được sửa chữa, xây mới nhưng nhiều hình ảnh tư liệu của mái trường gắn với giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng học tập luôn được các thế hệ thầy trò nhà trường trân trọng. Tại Nhà lưu niệm về Bác Hồ và truyền thống của Trường Quốc Học Huế, tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được phóng to, treo trang trọng cùng với tượng đài và nhiều hình ảnh ghi lại những năm tháng hoạt động cách mạng của Người. Giữa sân trường, bức tượng học trò Nguyễn Tất Thành được đặt ở vị trí trang trọng nhất như muốn nhắc nhở các thế hệ học sinh tại Quốc Học nâng cao tinh thần hiếu học, nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng của đời mình.

Thời gian không nhiều nhưng những năm tháng học tập ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba cũng như ở Trường Quốc Học đã đặt nền móng đầu tiên cho sự nhận thức và tư duy khoa học để từ đó, Bác Hồ quyết định đi sang phương Tây tìm đường cứu nước.

ĐAN DUY
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu

Ngay từ đầu năm 1945, khi cách mạng Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi, chiến tranh Thế giới thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, nhà thơ đã tiên đoán vận hội mới cho dân tộc Việt Nam sẽ được mở ra qua bài thơ Xuân đến...

Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Trên nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân, xuất bản tại Huế, có in bức thư của Hồ Chủ tịch, đề ngày 4/12/1945, gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ...

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

Đó là tên cuốn sách thứ năm của TS. Chu Đức Tính (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) viết về Bác Hồ. Tác giả là một trong số không nhiều những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm nguyện “nhằm chứng minh một chân lý đã được khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản mẫu mực, một lãnh tụ nói đi đôi với làm” - như tác giả đã tâm sự đầu cuốn sách.

Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học
Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam

Triển lãm chuyên đề “Thừa Thiên Huế với công tác xây dựng văn hóa gia đình”; Hội thi rung chuông vàng “Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam” diễn ra chiều 27/6 tại xã Thủy Thanh. Hoạt động do Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp Phòng Văn hóa & Thể thao, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức.

Bác Hồ với thiếu nhi và truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam

TIN MỚI

Return to top