Khi đặt vấn đề du lịch Việt Nam có thể phục hồi vào năm 2024 nếu duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp, McKinsey&Company – một công ty tư vấn quản lý toàn cầu cho rằng, điều này có thể thực hiện được, nhờ du lịch trong nước. Chú trọng nguồn du khách nội địa, giảm giá để kích cầu; tăng dịch vụ, bổ sung những trải nghiệm mới, thêm những điểm đến đa dạng, phi truyền thống; áp dụng công nghệ số đồng thời thay đổi thói quen du lịch có thể tạo ra các chuyến du lịch hạng sang trong nước… là những điều kiện của nhận định này.
Có thể chưa nhiều như mong đợi, nhưng trên bình diện chung, có thể nhận thấy sự ra khỏi tình trạng “bất động” trong hoạt động du lịch. Người dân đã bắt đầu đặt những tour nội tỉnh, nội vùng và sau đó đã xê dịch đến những điểm du lịch xa hơn của đất nước. Ngay trong thời điểm này, khi làn sóng COVID-19 thứ 3 đã được kiểm soát, mảng lữ hành và lưu trú du lịch cũng có phần sinh động hơn với các tour du lịch mùa hè. Dẫn con số được khảo sát của người đứng đầu Hội đồng tư vấn du lịch, báo Tuổi trẻ ngày 25/3 vừa rồi cho hay, 83% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch trong vòng 7 tháng tới, nhất là mùa hè 2021 và hơn 72% trong số đó chọn đi du lịch bằng máy bay. Không phải là một con số “sóng sánh” và dù vẫn còn không ít phập phù, nhưng tình hình dường như đang ngày một sáng sủa hơn.
Thu hút khách nội địa chắc chắn là một chiến lược làm thay đổi hoạt động du lịch – dịch vụ trong trạng thái bình thường mới. Chí ít thì điều đó cũng sẽ giữ chân được người lao động; chi trả được những khoản cần phải chi trả để nuôi bộ máy, khấu hao tài sản và tạo ra những giá trị tăng thêm cho cộng đồng trước khi tạo ra lợi nhuận…
Tích cực mở rộng phân khúc đón khách nội địa, nhưng sẽ hiểu được sự chờ đợi và kỳ vọng về những chuyến bay charter đưa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam khi chúng ta tiếp cận được con số từ khảo sát của McKinsey&Company. Lấy mốc của năm 2019, Công ty này cho hay, trong tổng số 27,5 tỷ USD chi cho du lịch tại Việt Nam thì 5,9 tỷ USD đến từ du khách Việt Nam ở nước ngoài; 9,6 tỷ USD là chi tiêu của du khách nội địa và 12 tỷ USD là chi tiêu của du khách quốc tế tại Việt Nam. Chi tiêu trung bình của mỗi du khách nước ngoài cao hơn gấp 10 lần so với du khách trong nước (673 USD và 61 USD theo thứ tự). Điều đó cho thấy, đây hiện vẫn đang là nguồn khách tiềm năng, có thể giải quyết cơ bản nguồn thu của du lịch.
“Hộ chiếu vắc-xin” cũng mới chỉ là một trong những điều kiện. Việc mở cửa trở lại đón khách quốc tế còn cần thêm các điều kiện, giải pháp kèm theo về bảo hiểm y tế, bảo hiểm COVID-19 cho cả du khách lẫn điểm đến, sự an toàn cho cộng đồng xung quanh. Tuy nhiên, khi mà việc tiêm vắc-xin COVID-19 đã được nhiều nước thực hiện trên diện rộng hơn; khi mà các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore, Indonesia… đã thông báo đón khách quốc tế sở hữu “hộ chiếu vắc-xin” và Liên minh châu Âu cũng đang lên kế hoạch cung cấp “hộ chiếu vắc-xin”, “giấy thông hành xanh”, chúng ta càng hiểu hơn sự mong đợi những chuyến bay charter mang du khách từ nước ngoài “đáp” xuống những địa phương/điểm nghỉ dưỡng an toàn và hứa hẹn những trải nghiệm hấp dẫn…
MINH HÀ