Từ ngày 10/10, Vietnam Airlines mở lại đường bay hai chiều giữa TP. Hồ Chí Minh và Huế tần suất 1 chuyến/tuần. Cùng với Huế còn có các chuyến bay nội địa nối từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Nghệ An và từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc. Đó là thông tin được nhiều người mong đợi, vừa được đại diện Vietnam Airlines cho biết chiều 6/10. Việc mở lại các đường bay nội địa nói riêng và thông thương trên cả nước nói chung là tín hiệu đáng mừng trong việc khống chế dịch bệnh, sớm đưa hoạt động kinh tế, xã hội của cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”.
Đại dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua đã làm đảo lộn đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung. Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 4 này, với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Ngoài 2 đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều vùng trọng điểm kinh tế như Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương… đã phải thực hiện giãn cách, phong tỏa dài ngày. Không chỉ việc lưu thông ở các vùng phong tỏa bị ngưng trệ mà hoạt động giao thương giữa các vùng miền, địa phương cũng bị hạn chế, thậm chí “đóng băng”, khiến sản xuất đình đốn, đời sống kinh tế, xã hội của người dân gặp vô vàn khó khăn.
Đi đôi với nỗ lực khống chế, kiểm soát dịch bệnh, việc khôi phục lại giao thương là một yêu cầu cấp thiết để sớm phục hồi, phát triển kinh tế. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giao thông đường bộ được ưu tiên khôi phục sớm nhất, với việc cấp mã QR “luồng xanh” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Luồng xanh đường thủy cũng sớm được khôi phục đã phần nào giảm áp lực cho các doanh nghiệp vận tải, sản xuất. Trong đó, cảng Thuận An cũng đã thiết lập được “luồng xanh”, tạo điều kiện thuận lợi chở đá xây dựng từ Ninh Bình vào phục vụ thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Riêng với đường hàng không, việc mở lại đường bay là không hề đơn giản. Để mở lại đường bay, Cục Hàng không Việt Nam triển khai lấy ý kiến 21 tỉnh, thành có cảng hàng không, sân bay. Đến ngày 6/10, cục mới nhận được văn bản trả lời của 13 địa phương; trong đó có 6 địa phương thống nhất hoàn toàn kế hoạch, 4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch (trong đó có Thừa Thiên Huế) và 3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch. Điều này không chỉ mang lại cơ hội phục hồi với các doanh nghiệp hàng không, mà còn giúp các doanh nghiệp lữ hành, du lịch của địa phương từng bước khởi động lại hoạt động sau thời gian dài gần như “đóng băng”.
Với Thừa Thiên Huế, việc chấp thuận một phần kế hoạch mở lại đường bay nội địa được cân nhắc kỹ, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Bởi thực tế hiện nay, dịch COVID-19 ở Thừa Thiên Huế tuy được kiểm soát hiệu quả, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, nhưng nguy cơ bùng phát dịch luôn rình rập. Nguồn lây nhiễm có thể đến từ nhiều nguồn, theo nhiều cách, nhưng nguy cơ cao nhất là việc người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam sẽ trở về địa phương theo cách tự phát ngày một nhiều, sau khi các địa phương trên nới lỏng giãn cách.
Thực hiện Công điện 1265/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm việc kiểm soát người về từ các tỉnh, thành có dịch phía nam theo hướng tự phát. Đồng thời, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các phương án đón, dẫn đoàn đi ngang tỉnh an toàn. Đây là nhiệm vụ quan trọng, rất cần sự nỗ lực của các ngành, các địa phương để quản lý, giám sát dịch bệnh chặt chẽ. Nếu vượt qua thời điểm này an toàn, Thừa Thiên Huế sẽ có cơ hội sớm nối lại hoàn toàn các đường bay nội địa, góp phần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Hoàng Minh