|
Livestream bán hàng trực tuyến đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tăng doanh thu |
Đột phá doanh thu
Thời gian gần đây, đội ngũ nhân sự Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Yeshue Eco thay phiên nhau livestream bán hàng hàng ngày trên nền tảng TikTok. Trung bình, mỗi ngày công ty này "chốt" được khoảng 100 đơn hàng.
Bà Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Yeshue Eco chia sẻ, việc kiên trì livestream bán hàng trực tuyến hàng ngày của công ty được hình thành từ những phiên Mega livestream thành công trước đó. “Chẳng hạn, trong một phiên livestream với sự hỗ trợ của những người nổi tiếng như Quang Linh Vlog và Hằng "Du Mục" mới đây, công ty chúng tôi đã xác nhận hơn 3.000 đơn hàng. Hai đợt livestream trước đó cũng mang về cho công ty hơn 2.000 đơn hàng. Đây là con số đột phá so với các hình thức bán hàng khác. “Những thành công này là bước đệm vững chắc để DN mở rộng quy mô và khẳng định vị thế trên thị trường trực tuyến", bà Kim Hằng chia sẻ.
Mặc dù ban đầu gặp không ít khó khăn trong việc tự vận hành và thích nghi với phương pháp mới, song công ty dần hoàn thiện quy trình, vừa làm vừa cải thiện và đã bắt đầu thích nghi tốt. “Khách hàng đã thay đổi cách thức mua sắm, nếu DN không chuyển mình, sẽ rất khó tiếp cận và tăng doanh thu,” bà Hằng khẳng định.
Chứng kiến hơn 1.000 đơn hàng của công ty được khách hàng xác nhận chỉ trong một phiên livestream tại chương trình "Festival Tinh hoa đặc sản OCOP - Hàng Việt 2024" do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp tổ chức mới đây, nên Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công Thành đã xây dựng lại quy trình vận hành và tổ chức livestream bán hàng mỗi ngày trên TikTok Shop.
Bà Hoàng Thị Ngọc Lý, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công Thành, cho hay: "Chưa dám kỳ vọng nhiều vào việc tăng doanh thu, mục đích ban đầu của chúng tôi là vừa tăng đơn hàng vừa giúp khách hàng nhận diện sản phẩm, đồng thời hoàn thiện dần quy trình vận hành theo hình thức trực tuyến lâu dài”.
Không chỉ các DN, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng đã bắt đầu thực hiện hình thức livestream bán hàng trực tuyến và khẳng định đây là xu hướng tất yếu để tồn tại và phát triển trong thời đại số.
Đổi mới để bắt kịp xu hướng số
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và đặc biệt là livestream trên nền tảng TikTok, các DN đã tận dụng các nền tảng này như là một phương tiện hiệu quả để tiếp cận khách hàng một cách trực quan, sinh động hơn.
Những sản phẩm OCOP, đặc sản Huế và các sản phẩm thủ công đã ghi nhận doanh thu ấn tượng nhờ các chiến lược livestream bài bản. Chỉ tính riêng chương trình livestream tại “Festival Đặc sản nông sản” tháng 11 vừa qua, hơn 20 DN trong tỉnh đã có cơ hội trải nghiệm bán hàng trực tuyến. Kết thúc buổi livestream, các DN đã bán ra hơn 118.300 sản phẩm. Đây là minh chứng rõ ràng về hiệu quả vượt trội mà livestream mang lại trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đối mặt với việc đó là những thách thức ban đầu. Nhiều DN lo lắng về cách giao tiếp, làm sao để thu hút và giữ chân khách hàng trong suốt các phiên phát sóng. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc chuẩn bị hàng hóa và đảm bảo đủ số lượng phục vụ các phiên livestream cao điểm. Đây là điều khiến nhiều DN còn bỡ ngỡ khi tham gia vào hình thức kinh doanh bằng livestream này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Duy, chuyên gia đào tạo TikTok Shop Việt Nam, các DN Huế có tiềm năng lớn trong việc bán hàng qua livestream. Tuy nhiên, họ cần đầu tư vào việc chuẩn bị hàng hóa và xây dựng nội dung hấp dẫn để tạo sự khác biệt trong các phiên phát sóng.
Thời gian qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã tiên phong trong việc tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho DN nhỏ và vừa. Từ việc chuẩn bị hàng hóa, xây dựng nội dung livestream đến cách tương tác với khách hàng, tất cả đều được hướng dẫn bài bản. Những chương trình tập huấn không chỉ giúp DN vượt qua rào cản ban đầu, mà còn mang lại cho họ sự tự tin để khai thác tối đa tiềm năng của việc livestream. Ngoài các buổi đào tạo trực tiếp, hội còn xây dựng nhóm hỗ trợ trực tuyến để DN có thể trao đổi và nhận sự tư vấn liên tục.
Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn tạo nền tảng vững chắc cho các DN trẻ, giúp họ tận dụng tối đa cơ hội từ thương mại điện tử. Những khóa đào tạo không chỉ giúp họ thành công, mà còn xây dựng vị thế cạnh tranh lâu dài. Bán hàng qua sàn thương mại điện tử mang lại những lợi ích lớn, nhưng đổi lại DN phải chịu nhiều chi phí phát sinh. Để gia tăng hiệu quả, DN cần phải xây dựng quy trình vận hành phù hợp. Đây là thách thức, đòi hỏi để DN không ngừng đổi mới phát triển, lớn mạnh".