ClockThứ Tư, 15/02/2023 05:56

Phải có dấu ấn liên kết vùng

Vốn là vùng có địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt, các tỉnh Bắc Trung bộ (bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) và các tỉnh duyên hải miền Trung (bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) ít có dư địa để phát triển kinh tế từ các khía cạnh này. Tuy nhiên, với chiều dài bờ biển hơn 1.000km, gần bờ, nhiều eo biển, cửa sông, vũng, vịnh…đây lại là vùng thuận lợi cho phát triển kinh tế biển du lịch, giao thông biển, đánh bắt cá, phát triển các hải cảng có quy mô lớn.

Trên thực tế, nhiều địa phương ở khu vực này đã phát huy được tiềm năng và những lợi thế riêng có để phát triển. Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận là những cái tên trong nhóm đi đầu. Gần đây, Bình Định, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh cũng được nhắc đến với những bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội…

Kinh tế biển là lợi thế chung của các tỉnh trong khu vực và đây được xem là chìa khóa để phát triển và liên kết vùng. Nhưng phát triển lợi thế này, không chỉ là cảng biển, đánh bắt hải sản, du lịch mà còn cần đến sự phát triển của hạ tầng giao thông, đô thị ven biển; là sự kết nối và kết nối tốt hơn với hành lang kinh tế Đông - Tây bằng hệ thống giao thông với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong Tiểu vùng sông Mê Kông để kết nối giao thương đa dạng.

Đã có không ít hội thảo, hội nghị đề cập đến việc liên kết vùng, dựa trên các thế mạnh và tiềm năng tương quan sẵn có của từng địa phương; đặt ra những vấn đề hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Tuy nhiên, những thông số về sự phát triển gần như chỉ được ghi nhận ở từng địa phương. Chẳng hạn xét về giá trị kinh tế biển, có thể ghi nhận tỷ lệ đóng góp và GRDP của Khánh Hòa là khoảng 80%, 46% là của Thanh Hóa và Hà Tĩnh trên 30%. Ít thấy có một con số cụ thể nào về liên kết “Ba địa phương một điểm đến” của Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam hay của Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Thậm chí “Miền di sản diệu kỳ” bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam có vẻ như cũng đang mất hút ở đâu đó sau hội nghị quảng bá vào tháng 8/2022. Hoặc có thể là còn quá sớm để đánh giá về sự liên kết này.

Dấu ấn liên kết vùng còn yếu hay nói cách khác, mới chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương chứ chưa mang tính tổng thể dấu ấn của toàn vùng là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thì chỉ rõ về chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực ở khu vực này còn thấp hơn mức trung bình của cả nước. Theo ông, kinh tế biển của vùng chưa được khai thác hợp lý, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững và cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm…

Lấy phát triển kinh tế biển và liên kết vùng để làm chìa khóa là vấn đề mà hội nghị công bố chương trình hành động của Chính phủ với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững” và hội nghị xúc tiến đầu tư vùng vừa được tổ chức vào đầu tháng 2, tại Quy Nhơn.

Với các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể từ chương trình hành động của Chính phủ, điều đang được kỳ vọng là các tỉnh Bắc Trung bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung sẽ có hợp lực, biến nghị quyết thành hành động, tạo dựng được dấu ấn liên kết để phát triển và cùng nhau đi xa hơn…

Lê Bình An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Một mốc son tự hào của A Lưới

Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đã bám sát thực tế, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Một mốc son tự hào của A Lưới
Return to top