Theo bảng xếp hạng vừa được công bố, năm 2015, Thừa Thiên Huế nằm ở vị trí 29/63, với 58,52 điểm. Tuy số điểm chỉ thấp hơn 1,46 điểm, nhưng vị trí của tỉnh giảm 16 bậc so với năm 2014 và giảm 27 bậc so với năm 2013- năm tỉnh được xếp vị trí thứ hai với 65,56 điểm. Nhìn lại số điểm của tỉnh từ năm 2008 đến nay, sự biến động này không lớn, nhưng vị trí lại có sự biến động lớn. Điều này cho thấy, trong khi chúng ta nỗ lực thì các địa phương khác cũng nỗ lực không kém và họ đã có những đột phá được cộng đồng doanh nghiệp công nhận.
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp, dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tháng 8/2015 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90 với mục tiêu tổng quát là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ. Duy trì vị trí xếp hạng PCI tỉnh ở nhóm “rất tốt”. Giải pháp ưu tiên thực hiện là tăng cường tính minh bạch, tạo những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức. Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện các quy định Nhà nước. Đổi mới công tác đào tạo nghề, gắn đào tạo sát hơn với nhu cầu thị trường. Tạo điều kiện mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ tư nhân trên các lĩnh vực tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, kế toán và tài chính, quản trị doanh nghiệp…
Thực tế, tỉnh rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp; các ngành thuế, hải quan tổ chức đối thoại, tư vấn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, thủ tục xuất nhập khẩu… Những nỗ lực đó có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mong muốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra và cần tiếp tục tháo gỡ.
Tuy chưa đầy đủ, nhưng PCI là tấm gương phản chiếu mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính, hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Để đồng hành cùng doanh nghiệp trong Năm doanh nghiệp 2016, chúng ta cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức và có các chính sách ưu đãi phù hợp để giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn.
Hoàng Giang