ClockThứ Năm, 28/04/2022 21:27

Tập trung nguồn lực thu hút đầu tư, tiếp tục cải thiện chỉ số PCI

TTH.VN - Đây không phải là lần đầu tiên Thừa Thiên Huế được xếp vào danh sách những tỉnh, thành có chỉ số PCI hàng đầu. Song với vị trí thứ 8 trên cả nước cho thấy, chính quyền tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt, kịp thời.

Thừa Thiên Huế xếp thứ 8 toàn quốc về chỉ số PCI năm 2021Thừa Thiên Huế tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng PCI năm 2020Liệu có mâu thuẫn giữa PCI và DDCI?Nhiều thay đổi trong đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở và cấp huyện năm 2020

Thừa Thiên Huế góp mặt trong 10 tỉnh, thành của cả nước dẫn đầu về chỉ số CPI

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao

PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI cũng phản ánh về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, để thành lập và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh thì gánh nặng về chi phí thời gian và chi phí không chính thức là rất lớn và là một trong những rào cản làm cho nhiều doanh nghiệp mất cơ hội, nản lòng dẫn tới từ bỏ quyết định đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, tỉnh đã có sự cải thiện rất đáng kể. Theo đó, trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm nay, tỉnh có 2 chỉ số được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, đó là chỉ số Chi phí không chính thức (đạt 7,95 điểm - xếp thứ 4 cả nước) và Chi phí thời gian (đạt 8,29 điểm - xếp thứ 8 cả nước).

Ngoài ra, chỉ số Tính minh bạch và Đào tạo lao động của Thừa Thiên Huế cũng được duy trì và cải thiện ở nhóm khá, lần lượt xếp thứ 11 và 14 của cả nước. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp nhằm giúp họ dễ dàng tiếp cận các tài liệu pháp lý, tài liệu liên quan đến quy hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá khá tốt…

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, để có được vị trí này, nhiều năm liền UBND tỉnh đã tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị cấp huyện (DDCI) để xác định các hạn chế mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao rơi vào đơn vị nào, thủ tục nào, hoạt động nào để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh tốt hơn.

Tỉnh cũng đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 100% thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình Một cửa điện tử hiện đại;… Đặc biệt, Thừa Thiên Huế còn là địa phương đi đầu cả nước trong việc ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt phải kể đến là các chính sách hỗ trợ cung cấp miễn phí chữ ký số công cộng; hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp...

“Tôi luôn quan niệm rằng, mỗi một đánh giá không tốt của cộng đồng doanh nghiệp là một điểm hạn chế mà hệ thống nhà nước cần phải nỗ lực hơn nữa”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ.

Tỉnh sẽ có những chính sách mới nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp trong thời gian tới

Phấn đấu “Tốp 5” cả nước

Mặc dù tăng từ vị trí thứ 17 lên vị trí thứ 8 trên cả nước nhưng một số chỉ số của tỉnh vẫn còn ở vị trí chưa cao như chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (xếp thứ 34) và Tiếp cận đất đai (xếp thứ 33).

Đánh giá về nguyên nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp, thời gian xử lý vụ việc kinh tế bị kéo dài; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn đất mới để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác giải phóng mặt bằng chậm,… “Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ kết quả PCI này để phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được đối với các chỉ số thành phần cụ thể để xây dựng các giải pháp khắc phục nhằm tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng PCI của tỉnh những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Mục tiêu của tỉnh sắp tới là tập trung nguồn lực để thu hút đầu tư, tiếp tục cải thiện chỉ số CPI, phấn đấu vào “Tốp 5” của cả nước. Trong đó một số chủ trương, chính sách mà tỉnh vẫn quyết tâm chỉ đạo thực hiện là kịp thời và có hiệu quả các chính sách đã có của Trung ương và của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tỉnh cũng xây dựng một số chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp như, hỗ trợ lãi suất, kích cầu ngành du lịch, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh,... Ngoài ra, kết nối khách hàng doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng nhằm khai thác nguồn vốn rẻ và rủi ro thấp. Cung cấp thông tin minh bạch, hiệu quả về các khách hàng doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng và ngược lại nhằm kêu gọi nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cho vay các doanh nghiệp có dự án tốt trên địa bàn.

“Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới sau đại dịch COVID-19 như, sẵn sàng về mặt bằng, nhân lực trình độ cao, hạ tầng về điện, nước, thông tin, vận tải, kho bãi,... chuẩn bị tốt cho việc đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư cũng như cải cách các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị, triển khai đầu tư. Đặc biệt, thực hiện tốt nhiệm vụ của Tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, hoạt động 24/24 giờ nhằm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hỗ trợ nhà đầu tư... Qua đó giúp nhà đầu tư nhanh chóng có được các thông tin cần thiết trong quá trình nghiên cứu đầu tư; dễ dàng lập các thủ tục đầu tư và rút ngắn rất nhiều thời gian giải quyết thủ tục đầu tư”, ông Nguyễn Văn Phương nói.

Bài, ảnh: Lê Thọ

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Return to top