ClockThứ Sáu, 29/03/2019 08:36

Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết

TTH - Mặc dù được tuyên truyền và hiểu rõ dịch tả lợn châu Phi không lây qua người, nhưng với tâm lý “cẩn tắc vô áy náy” và có nhiều lựa chọn thực phẩm thay thế, không ít người dân quay lưng với thịt lợn khiến người chăn nuôi đã khó lại càng khó hơn. Tâm lý e ngại này là một phần hệ lụy của việc chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát được nguồn gốc thịt lợn tiêu thụ trên thị trường.

Xuất khẩu thịt lợn hướng đến các thị trường khó tínhDịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người

Tại phiên họp đánh giá kết quả điều hành giá quý I/2019 và cập nhật tình hình, đề xuất các giải pháp điều hành trong những tháng còn lại của năm 2019, của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, tổ chức sáng 28/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu diễn ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trang trại của các doanh nghiệp chế biến chiếm 60% nguồn cung của cả nước ít chịu tác động của dịch bệnh này. Điều đó cho thấy, chăn nuôi nhỏ lẻ không chỉ khó kiểm soát dịch bệnh mà còn dễ bị tổn thương khi có biến động của thị trường.

Chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình là hình thức chăn nuôi phổ biến ở nước ta hiện nay. Điều này tuy phù hợp với tính chất, điều kiện của nông dân, nhưng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa hiện nay, phương thức chăn nuôi này ngày càng bộc lộ hạn chế. Không chỉ phập phồng điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” mà ngay trong quá trình chăn nuôi, người nông dân cũng bị động con giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh…; đầu ra thì không chủ động khiến việc chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững.

Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, dần loại bỏ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; đồng thời tập trung ổn định thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra của ngành nông nghiệp trong năm 2019. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, khép kín từ chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ. Các mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật  bước đầu hình thành, với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Khi đã hình thành được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc và an tâm tiêu thụ sản phẩm. Có thể kể đến thành công của mô hình tổ hợp chế biến thịt MNS Hà Nam của Tập đoàn Masan với dòng thịt mát Meat Deli có giá bán cao hơn 15% so với thịt thông thường nhưng luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Với Thừa Thiên Huế, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn nuôi theo hướng hữu cơ ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền. Các hộ tham gia mô hình ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn với Cửa hàng rau và thực phẩm an toàn Quảng Điền. Hoặc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm liên kết với các hợp tác xã, nông dân tạo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh các sản phẩm nông sản, thịt lợn hữu cơ thông qua chuỗi cửa hàng Viet GAP nông sản hữu cơ Quế Lâm…

Trong xu thế phát triển hiện nay, chăn nuôi theo chuỗi không riêng vì lợi ích của người tiêu dùng mà còn lợi ích cho người sản xuất. Xây dựng một chuỗi sản xuất thì sẽ kiểm soát được đầu vào từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hạ được giá thành sản phẩm và tạo thành sản phẩm cạnh tranh.

Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh việc hình thành các chuỗi sản xuất cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ chăn nuôi trong ký kết hợp đồng. Người chăn nuôi cần xác định chăn nuôi phải gắn với thị trường, có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng chăn nuôi theo phong trào, không gắn với thị trường.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Doanh nghiệp (DN) Huế đang và sẽ có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế địa phương để phát triển. Tuy nhiên, DN cũng cần quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và hoạch định chiến lược phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN LEADMAN. TS. Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm:

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Return to top