ClockChủ Nhật, 09/06/2019 07:15

Quản chặt “trắng, đen” trong khai thác cát sỏi

TTH - Sai phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông đang tồn tại ở trường hợp không phép lẫn có phép. Ngoài “sa tặc”, doanh nghiệp (DN) được cấp phép cũng đang cố tình lợi dụng “giấy thông hành” để làm trái quy định; gây lo ngại và bức xúc trong Nhân dân.

Không chỉ vi phạm ở khu vực mỏ được cấp phépCông ty Tuấn Hải khai thác vượt quá độ sâu cho phép 5m trở lên

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cho rằng: Việc kiểm soát hoạt động khai thác tại mỏ cát, sỏi hiện nay rất khó khăn và có nhiều bất cập. Cụ thể, do địa hình sông nước khó quản lý nên có thể xảy ra trường hợp lợi dụng việc cấp phép để khai thác trái phép ngoài phạm vi giấy phép hoặc khai thác vượt độ sâu cho phép. Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận, ý thức chấp hành pháp luật của DN và công tác giám sát của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế.

Việc kiểm soát đầu ra của cát, sỏi lòng sông đang có nhiều bất cập do người dân không lấy hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khi mua cát xây dựng nhà ở dẫn đến không kiểm soát được khối lượng cát thực tế mua, bán, khai thác, gây thất thu thuế tài nguyên, phí môi trường. Đây là sản phẩm đặc thù, không có tem, nhãn, mác xác định nguồn gốc xuất xứ… nên rất khó khăn trong công tác quản lý giám sát. Đến nay, nội dung này chưa được các cấp, ngành quan tâm, tuyên truyền, xử phạt việc tiêu thụ hàng hóa là cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp.

Đó có phải là lý do phát sinh “trắng đen lẫn lộn”, khiến người dân phản ứng bộc phát để ngăn chặn nạn khai thác cát sỏi lộng hành trên sông Bồ, sông Hương như trong thời gian qua, thưa ông?

Người dân bức xúc do vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi làm ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở, gây mất đất sản xuất là điều dễ hiểu. Có thể xem đây là việc “cực chẳng đã” của người dân trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Bản thân là người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường của tỉnh, tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều bất cập trong công tác quản lý sau cấp phép.

Có nghĩa cơ quan chức năng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm? Kể cả việc kiểm tra, giám sát, hậu kiểm?

Hiện nay công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản được phân làm 2 nhóm. Thứ nhất là giám sát từ xa; tức là từ báo cáo định kỳ, kê khai thuế, hóa đơn GTGT, từ phản ánh qua đơn thư, báo chí, tiếp xúc cử tri... Thứ hai là giám sát trực tiếp, từ công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch với tần suất 1 lần/năm theo quy định và từ các công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất. Việc giám sát, kiểm tra cũng giao cho tất cả các cấp, ngành có liên quan, nhất là lực lượng tại địa phương.

Việc giám sát từ nhiều công cụ khác nhau, nhiều cấp cùng giám sát. Do đó không thể cho rằng các cơ quan không kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, việc giám sát có thể thường xuyên nhưng không thể thường trực (bố trí lực lượng). Vì lợi nhuận, DN có thể tập trung khai thác ồ ạt trong thời gian ngắn, nhất là trong giai đoạn giá cát tăng cao như vừa qua. Do một số khó khăn, bất cập về pháp lý, DN có thể lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Vậy theo ông, sự “tắc trách” nằm ở khâu nào?

Sự trao đổi thông tin giữa các cấp, các ngành còn chậm. Mặc dù UBND tỉnh quy định chính quyền địa phương có báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn gửi về Sở TN&MT để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thông tin cũng như báo cáo hàng năm vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

Theo quy định tại Nghị định 158 của Chính phủ, thời hạn phải báo cáo của DN là quá dài (1 năm/lần), nhất là đối với hoạt động khai thác khoáng sản có thời hạn khai thác ngắn như cát, sỏi, đất san lấp. Việc thẩm tra báo cáo của DN cũng rất khó khăn do thiếu thông tin đối chứng, như: từ cơ quan thuế, quy trình kiểm soát khoáng sản cát sỏi khai thác thực tế còn nhiều bất cập do biến động theo mùa; việc lắp đặt camera giám sát tại kho chứa và đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai khó thực hiện được do địa bàn sông nước… Năng lực, phương tiện, nhân lực của địa phương trong công tác giám sát, phát hiện, dự báo vi phạm còn hạn chế. Một số địa phương còn thiếu sự quyết liệt, trách nhiệm chưa cao trong công tác chỉ đạo, điều hành việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Ý thức và công tác quản lý của DN được cấp phép thấp.

Ngoài sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các cấp, các ngành, DN và người dân, còn cần số liệu mang tính kỹ thuật để đối chứng, phân định đúng sai trong khai thác thì phải làm thế nào?

Thực tế việc cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông luôn có độ sâu, tầng dày nhỏ so với các loại khoáng sản khác trên đất liền. Nên, khi kiểm tra thực tế hiện trường đều có thể phát hiện dấu hiệu vi phạm (nếu có). Thậm chí người dân đo độ sâu bằng cách thả đá cũng đã xác định được cơ bản độ sâu khai thác.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm cần phải báo cáo, xử lý ngăn chặn ngay, không để vi phạm diễn ra nghiêm trọng hơn. Những số liệu đo đạc kỹ thuật là yếu tố xác định chính xác, cơ sở khoa học xác định vi phạm thường được tiến hành sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Thế thì trước khi cấp phép, đáng ra phải tham vấn ý kiến người dân, để dân biết, dân kiểm tra và giám sát?

Việc cấp phép luôn phải thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cũng theo quy định, đối với các mỏ khai thác cát, sỏi quy mô từ 50.000 m³ vật liệu nguyên khai/năm trở lên, trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường phải tiến hành tham vấn UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Các dự án được cấp phép nếu thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì sẽ góp phần phát triển kinh tế -xã hội, cung cấp nguồn vật liệu xây dựng, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên một số DN do lợi nhuận trước mắt đã khai thác quá mức, vượt phạm vi, độ sâu cho phép gây tác động xấu đến môi trường, sạt lở, mất đất của Nhân dân.

Có ý kiến cho rằng, DN khai thác khoáng sản dễ “đút túi” làm giàu, trong khi đóng góp thuế, phí chưa tương xứng và hệ lụy tác động đến môi trường và cuộc sống của người dân không tránh khỏi? Quan điểm của ông về ý kiến này?

Theo tôi, mỗi ngành nghề đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Trên địa bàn tỉnh cũng có một số DN bán hoặc trả lại mỏ do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Các mức thuế, phí đều do nhà nước quy định. Mức thuế đánh lên sản phẩm, nên người chịu ảnh hưởng trực tiếp là người tiêu dùng.

Tác động luôn hai chiều tích cực và tiêu cực. Quan trọng là trong quá trình hoạt động phải hạn chế tối đa các tác động tiêu cực và phát huy tối đa các tác động tích cực. Nếu các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt quy định của pháp luật sẽ phát huy được hiệu quả, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Vậy cơ quan chức năng đã thực hiện rà soát, đo đạc, đánh giá hiện trạng các khu vực có phép cũng như không phép như thế nào, thưa ông?

Qua các đợt kiểm tra, Sở TN&MT phát hiện 5 mỏ cát, sỏi của 4 DN khai thác cát, sỏi lòng sông vượt độ sâu cho phép (Châu Thành Phát, 939, Hồng Phát và Tuấn Hải) và đã kiến nghị UBND tỉnh xử phạt 4,015 tỷ đồng và tước quyền sử dụng giấy phép đối với các DN vi phạm.

Do sai phạm trong khai thác tại bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế), Công ty CP DV và TM Hồng Phát đã bị xử phạt

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 3 mỏ cát, sỏi đang được cấp phép hoạt động gồm: mỏ cát, sỏi khu vực Cồn Sen, xã Lộc Hòa (Phú Lộc) của DNTN Xí nghiệp lâm nghiệp Long Phụng; mỏ cát bãi bồi thôn Hộ (Buồng Tằm), xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát và mỏ cát, sỏi tại bãi bồi thôn 1 và 2 xã Thượng Quảng (A Lưới) của HTX Niềm tin Trường Sơn. Tuy nhiên, mỏ cát, sỏi của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát chưa đi vào hoạt động vì thiếu các cơ sở pháp lý.

Với tình hình nêu trên, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các mỏ đã cấp phép đang hoạt động, tránh tình trạng khai thác vượt độ sâu cho phép gây bức xúc trong Nhân dân.

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản
Return to top