Với trên 3.200 km bờ biển, Việt Nam là quốc gia có rất nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển. Trong đó, khai thác thủy sản là nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, đem lại nguồn xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, một thời gian dài việc quản lý khai thác, chế biến chưa được quan tâm đúng mức nên các hoạt động khai thác trái phép diễn ra phức tạp, một số tàu cá vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định kinh tế, thương mại khu vực, quốc tế, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế phát triển. Riêng với ngành thủy sản, thị trường xuất khẩu được mở rộng, tác động tích cực đến nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến phát triển. Đi kèm với đó là giá trị thủy sản được gia tăng, thu nhập người lao động trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị đó cũng được nâng lên. Tuy nhiên, tham gia sân chơi chung đó, Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng cũng phải tuân thủ luật chơi chung, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Trở lại “thẻ vàng” của EC và thông báo của Mỹ đối với hàng thủy sản Việt Nam, vấn đề mấu chốt là thủy hải sản đánh bắt phải có nguồn gốc hợp pháp và có đầy đủ hồ sơ, tài liệu truy xuất nguồn gốc. Để gỡ nút thắt này, ngoài việc Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải pháp về công nghệ để quản lý, kiểm soát việc đánh bắt thủy sản thì cần có những điều chỉnh trong đầu tư. Đó là, đi đôi với phát triển số lượng đội tàu cần nâng cao chất lượng nghề đánh bắt và đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá. Đơn cử, dù có đội tàu đánh bắt xa bờ trên 400 chiếc, nhưng cảng cá Thuận An (Thừa Thiên Huế) không thể đón tàu công suất lớn và số lượng cũng hạn chế thì rõ ràng cơ quan quản lý không thể thực thi nhiệm vụ kiểm tra, cấp giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm khai thác. Không được cấp giấy chứng nhận, thì sẽ không truy xuất được nguồn gốc hải sản đánh bắt. Điều này đồng nghĩa với việc vi phạm các quy định của EC và Mỹ.
Một điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản là ý thức của chính ngư dân. Bởi suy cho cùng, việc lắp thiết bị giám sát hành trình chỉ là giải pháp công nghệ, còn việc khai báo, ghi sổ sách, ngư trường… đều do ngư dân thực hiện. Giữa biển khơi mênh mông, nếu ngư dân làm theo kiểu đối phó thì các cơ quan chức năng trên bờ khó kiểm tra, giám sát. Vì vậy, bản thân các ngư dân cũng thay đổi trong nhận thức, tự giác chấp hành tốt hơn các quy định về ngư trường đánh bắt, ghi chép nhật ký. Điều này không chỉ vì lợi ích của chính ngư dân mà còn góp phần xây dựng, phát triển nghề cá của Việt Nam bền vững.
Hoàng Minh