Trong phiên bế mạc ngày 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó các nội dung liên quan đến kinh tế.
Cụ thể, Quốc hội xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Quốc hội đưa ra nhiều quyết định quan trọng liên quan đến kinh tế tại Kỳ họp thứ 6
Quốc hội đã thông qua 04 nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Xem xét các báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia.
Quốc hội cũng giao Chính phủ triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đáng chú ý, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% đại biểu có mặt ủng hộ. Đây được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.
Với Việt Nam, CPTPP sẽ tác động rất lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới một cách phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) kỳ vọng, quá trình gia nhập vào CPTPP sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp để kinh tế phát triển hơn nữa. Để đạt hiệu quả nhất, các Bộ ngành phải triển khai ngay các Nghị định cũng như các Thông tư để sau khi CPTPP có hiệu lực thì đi vào cuộc sống.
Không ra những Nghị định, thông tư lồng ghép giấy phép con, cản trở hoạt động của doanh nghiệp cũng như là làm chậm thực hiện CPTPP, ông Nhường nhấn mạnh.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, CPTPP được thông qua sẽ mở ra cơ hội lớn. Việc thông qua hiệp định này đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá.
"Hiệp định CPTPP được ký kết giúp tăng cường các giải pháp và thúc đẩy kinh tế xã hội, đất nước phát triển. Chúng ta có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là mở rộng các dịch vụ, tiêu thụ nông sản, phát triển các ngành nghề du lịch tốt hơn", bà Tôn Ngọc Hạnh đánh giá.
Trên cơ sở thuận lợi đó, theo đại biểu đoàn Bình Phước, năm 2018 là tiền đề, là bước đệm căn cơ để chúng ta có bước tiến trong 2019 bằng những giải pháp quyết liệt và tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Theo VOV