Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Khóa XIV. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Tiếp sau việc Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” vào tháng 3/2015, Hội nghị lần này là bước cụ thể hóa các kết quả đạt được tại IPU-132, biến cam kết của các nhà lập pháp thành hành động, góp phần thúc đẩy việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Những vấn đề then chốt của Tuyên bố Hà Nội đã được phản ánh trong các văn kiện quan trọng của Hội nghị lần thứ 4 các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới vào tháng 9/2015.
Năm 2016, Liên minh Nghị viện Thế giới đã phối hợp với các nghị viện thành viên tổ chức một số hội thảo chuyên đề triển khai việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) như Hội thảo khu vực về nghị viện và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Bucharest, Rumani (18-19/4/2016); Hội thảo liên khu vực về tăng cường năng lực nghị viện và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Bắc Kinh, Trung Quốc (18-20/9/2016); Hội thảo khu vực Mỹ Latinh và Caribe về vai trò của các nghị viện trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong một quốc gia, tại Panama (1-2/12/2016)...
Liên minh Nghị viện Thế giới cũng phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Nghị viện hàng năm trong khuôn khổ Hội nghị Biến đổi khí hậu.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương do nước biển dâng.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và khoảng 10% GDP sẽ bị tổn thất.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Xác định việc ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn đối với sự phát triển của quốc gia, t rong những năm qua, Việt Nam đã luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Công ước khí hậu), Nghị định thư Kyoto. Đặc biệt, ngày 22/4/2016, Việt Nam đã cùng 175 quốc gia trên thế giới ký Thỏa thuận Paris tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) và phê chuẩn cam kết quan trọng này vào cuối tháng 10/2016.
Cùng với Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, trong đó có việc xây dựng Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp" gồm ba phiên thảo luận chính, tập trung về năm nội dung gồm tổng quan về các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của nghị viện; thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trong khu vực; các cam kết quốc tế và yêu cầu đối với các nhà lập pháp; huy động các nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức tương tác trong đó có các phát biểu dẫn đề của Chủ tịch Quốc hội Fiji, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, Liên hợp quốc, các phát biểu dẫn đề của các Bộ trưởng của Việt Nam như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội...
Hội nghị là diễn đàn để các nghị viện, nghị sĩ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong quá trình thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Hội nghị thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động của Liên minh Nghị viện Thế giới, nhất là trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vừa được bầu làm thành viên Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Thế giới (nhiệm kỳ 2016-2019).
Với sự tham gia của đại biểu nghị viện đến từ 20 quốc gia thành viên IPU và nhiều tổ chức quốc tế, việc tổ chức thành công Hội nghị lần này sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Hội nghị còn góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và của người dân về biến đổi khí hậu, nguy cơ tác động của nó đối với mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và huy động sự chung tay góp sức nhằm chủ động, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn cầu.
Theo TTXVN