Theo số liệu của Bộ Công thương, nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay trên 10 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80%... Trong đó, phân bón tổng hợp NPK là loại dễ làm giả và bị làm giả nhiều nhất. Thủ đoạn của những kẻ làm ăn phi pháp cũng rất tinh vi, phức tạp, từ làm giả 100% , trộn nửa thật nửa giả đến sản xuất hàng kém chất lượng bằng “công nghệ” cuốc xẻng... Số liệu từ lực lượng quản lý thị trường cho biết, năm 2013 được coi là đỉnh điểm của tình trạng phân bón giả hoành hành, với 1.483 vụ vi phạm bị phát hiện (tăng 31% so với năm trước), hơn 1.000 tấn sản phẩm bị tịch thu. Trong đó, nhiều vụ vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Thừa Thiên Huế, năm 2011 hàng chục hộ nông dân ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) từng rơi vào cảnh khốn đốn vì mua phải phân bón kém chất lượng của Công ty Kim Anh, khiến hàng chục ha lúa và hoa màu bị hư hỏng.
Theo Nghị định 202/2013 của Chính phủ, phân bón chính thức trở thành ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Như vậy, chúng ta đã có cơ chế pháp lý để chống việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Vấn đề còn lại là phải hành động cụ thể, quyết liệt và khẩn trương. Theo đó, các cơ quan quản lý, cần quản lý chặt chất lượng phân bón từ khâu sản xuất đến việc lưu thông; trong đó cần sớm quy chuẩn chất lượng phân bón để có cơ sở cấp phép, quản lý chất lượng đối với các doanh nghiệp sản phân bón. Đồng thời, kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động, kể cả xử lý hình sự với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Với các địa phương, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về việc phân bón giả trên địa bàn. Theo đó, các địa phương cần quản lý chặt các hoạt động tiếp thị, quảng cáo phân bón thông qua các hội nghị đầu bờ, nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp, cá nhân làm ăn phi pháp tiếp cận bà con nông dân. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, trang bị kiến thức về phân bón giả, kém chất lượng để bà con nông dân chủ động trong việc nhận biết, không sử dụng phân bón giả, kém chất lượng. Khi nguồn “cầu” bị chặn, chắc chắn phân bón giả, kém chất lượng sẽ chẳng còn đất sống...