ClockThứ Bảy, 25/03/2023 22:10
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Thừa Thiên Huế:

“Quyết tâm rồi cần quyết tâm hơn nữa, nỗ lực rồi cần nỗ lực hơn nữa”

TTH.VN - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với tỉnh chiều 25/3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sốngNỗ lực hoàn thành Công trình nhà ga T2 trong thời gian sớm nhất

Cùng làm việc có UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Phía tỉnh có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; các UVTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi làm việc

Tỉnh kiến nghị 7 nhóm vấn đề

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2022 của tỉnh đạt 5,2%/năm (năm 2022 đạt 8,56%, có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư thời kỳ 2020 - 2022 hơn 78.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 9,3%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng bình quân thời kỳ 2020 - 2022 đạt 16%/năm, năm 2022 đạt trên 12.700 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 2.400 USD, gấp 1,2 lần so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,13%...

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10%. Trong đó, xác định 14 chỉ tiêu chủ yếu, 6 chương trình trọng điểm và tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Tại buổi làm việc, các kiến nghị của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác liên quan đến 7 nhóm vấn đề.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng hoan nghênh, đồng tình với đề xuất xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế 

 Theo đó, tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ hoàn thành xây dựng “Đề án thành lập thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế”  để trình Quốc hội vào năm 2024.

Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm, phối hợp chặt chẽ với tỉnh hoàn thiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020” và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý II/2023 để có cơ sở triển khai thực hiện.

Liên quan 2 dự án trọng điểm gồm: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An; Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) đã được khởi công trong năm 2022, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí bổ sung 1.900 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Hiện nay, UBND tỉnh đang tổ chức lập dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 2), trong đó có thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng một số khu vực còn lại trong Kinh thành Huế và các khu vực di tích khác thuộc quần thể di tích Cố đô Huế nhưng đặc biệt cần thiết di dời, giải phóng mặt bằng để quản lý, bảo vệ khu vực di tích, chống lấn chiếm, đồng thời phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tỉnh mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho phép được áp dụng khung chính sách đã thực hiện đối với dự án giai đoạn 1 để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế (giai đoạn 2) và xem xét bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện hoàn thành dự án theo Thông báo Kết luận số 269-TB/VPCP, ngày 18/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49 đảm bảo cho xe trọng tải lớn lưu thông thuận lợi, an toàn cần được quan tâm. Cùng vớ đó là việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan sớm trình Đề án “Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia”.

Đối với các dự án: Nâng cấp hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tỉnh cần có giải pháp khắc phục những hạn chế đang hiện hữu

Nhìn nhận những “điểm nghẽn”

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao báo cáo kinh tế  - xã hội của tỉnh, đặc biệt các chỉ số đa số tăng, đồng thời tỏ ra ấn tượng với con người Huế, di sản Huế.

Ông Tân mong muốn tỉnh quan tâm đến công tác quy hoạch và đầu tư; nâng cao các chỉ số phát triển công nghiệp và xuất nhập khẩu. “Việc đầu tư cần theo hướng bền vững, kinh tế xanh, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguyên liệu chất lượng cao. Ngoài ra, cơ chế phát triển các ngành ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ logistics rất quan trọng trong thời điểm hiện nay”, ông Tân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, tỉnh có thế mạnh về các cơ sở khám chữa bệnh, song số lượng dược sĩ và điều dưỡng vẫn còn hạn chế, trong khi đó y tế cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ, bài bản gây nên nhiều khó khăn. Do vậy, Thứ trưởng Thuấn đề xuất tỉnh xây dựng các mô hình y tế chuyên sâu, y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ngoài ra, Huế cũng có thể tận dụng tiềm năng để triển khai du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh triển khai ngay nhiệm vụ quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt, đặc biệt lưu ý quan tâm định hướng phân khu, định hướng phát triển kinh tế xã hội; kiểm soát không gian đô thị hiện hữu, giữ gìn bản sắc văn hóa; tăng cường liên kết giao thông; tổ chức không gian các khu chức năng mang tính đặc thù; phát triển kinh tế biển.

“Trong quá trình lập quy hoạch cần lưu ý gắn chặt với đề án xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với những kiến nghị của tỉnh, Bộ Xây dựng sẽ cùng tỉnh tiến hành nghiên cứu bổ sung các tiêu chí phân loại đô thị. Ngoài ra, phát triển dự án đô thị gắn với chỉnh trang, kết nối hạ tầng phải đồng bộ; thúc đẩy hơn nữa nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị.

leftcenterrightdel
 Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp thu, cảm ơn ý kiến chỉ đạo và ý kiến đóng góp quý báu của Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành

Về lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao chất lượng dạy và học của tỉnh, song Bộ trưởng Sơn lưu ý cần tăng tỉ lệ kiên cố hóa trường học tại các huyện khó khăn; tăng số lượng trường phổ thông ngoài công lập; triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thống nhất ý kiến với nhiều Bộ, ngành, đồng thời đề nghị tỉnh gấp rút tìm giải pháp để đảm bảo vấn đề phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; đồng bộ kết cấu hạ tầng; phát triển cân bằng hài hòa giữa các vùng miền; rà soát để nhìn thấy điểm nghẽn, tận dụng cơ hội. Tỉnh Lưu ý rà soát, vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách mà Trung ương đã ban hành.

“Thừa Thiên Huế có quy mô kinh tế nhỏ, thu hút đầu tư thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, công tác quy hoạch vẫn còn bất cập, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu... đó là những bài toán cần có lời giải. Tôi cam kết đồng hành, giúp tỉnh khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh. Trên cơ sở đó cần quan tâm đến yếu tố kết nối liên vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường

leftcenterrightdel
Những kiến nghị của tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nêu rõ tại buổi làm việc

Định hướng tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình và nhất là truyền thống văn hóa lịch sử hết sức phong phú, đặc sắc. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; chú trọng phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh về tiềm năng kinh tế biển, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái. Tỉnh phải chú trọng phát triển hài hòa kinh tế - văn hóa - xã hội.

Về các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh, Thủ tướng cho rằng, tỉnh nên rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành yêu cầu tỉnh khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch

Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng tỉnh trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có, phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung" và "Hành lang kinh tế Đông - Tây"; thu hút các tập đoàn lớn...

Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ, nhân lực số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số. Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh.

Trước các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng giao tỉnh phối hợp với các cơ quan, tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổng kết thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện các dự án, đề án, chương trình cụ thể bảo đảm sát thực tế, khả thi, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đặc biệt Thủ tướng hoan nghênh, đồng tình với đề xuất xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế...

Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, góp ý của lãnh đạo các Bộ, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, đó là những ý kiến chân thành và quý báu. Năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục bám sát và kịp thời cụ thể hóa các quan điểm, chỉ đạo của Trung ương đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương.

LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn

Nắm bắt xu hướng nhu cầu về dinh dưỡng trong đời sống ngày càng cao, năm 2024, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế bắt đầu mở khóa đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng đầu tiên.

Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn
Hạ tầng đồng bộ cho thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA) hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông nhằm quy hoạch tốt không gian đô thị và đầu tư kết cấu hạ tầng đạt chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Hạ tầng đồng bộ cho thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top