Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa có Thư ngỏ gửi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và THPT trên địa bàn tỉnh về việc hưởng ứng Cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống. Đây là động thái nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của phụ nữ Cố đô và tạo một nét đẹp trong văn hóa công sở, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, phục vụ và thân thiện.
Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống gắn liền với tính cách lịch sự, kín đáo của người phụ nữ Việt mà còn ẩn chứa trong đó tính độc lập tự chủ của dân tộc. Nhiều tài liệu chỉ ra rằng, trước làn sóng du nhập của người Minh Hương, để giữ gìn bản sắc văn hóa riêng, Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát (tại vị 1738-1765) đã ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong; trong đó, đã định hình cơ bản chiếc áo dài Việt Nam. Thực tiễn một thời gian, Vũ vương giao cho triều thần pha phối từ mẫu áo dài của người Chăm và chiếc sườn xám của phụ nữ Thượng Hải để sáng tạo nên chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam...
Ký ức của tôi cách đây chừng 40 năm, hình ảnh chiếc áo dài rất đỗi quen thuộc với các mẹ, các chị. Từ nhà ra chợ chiều có mấy bước chân, họ vẫn khoác chiếc áo dài vào. Tiếc là thói quen mặc áo dài hiện chỉ còn lưu giữ trong các nghi lễ trang trọng.
Tương tự, tại các cơ quan, trang phục áo dài trong nữ CBCNV cũng chỉ diễn ra tại các sự kiện trọng đại của cơ quan. Ở các trường học, việc quy định mặc áo dài trong giáo viên, nữ sinh cũng được triển khai; song số ngày thực hiện còn thấp, bình quân chỉ 01 đến 02 ngày/tuần, chưa tạo được dấu ấn lớn.
Thực tế cho thấy, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam không ngừng được cải tiến; song vẫn kín đáo nhưng không kém phần duyên dáng, gợi cảm. Tại Huế, chiếc áo dài Huế đã trở thành biểu tượng đặc trưng, một sản phẩm du lịch của Cố đô, được khách du lịch ưa chuộng. Các tiệm may áo dài ở các tuyến đường Bến Nghé, Nguyễn Sinh Cung, Mai Thúc Loan… luôn thu hút khách. Tại các kỳ Festival Huế, chương trình Lễ hội áo dài là một trong những chương trình chính, thu hút rất đông khán giả tham dự.
Chiếc áo dài không chỉ tạo thêm vẻ đẹp duyên dáng, thanh cao cho người phụ nữ mà còn làm tăng thêm tính lịch sự, văn minh nơi công sở, trường học. Nếu được phổ biến sẽ làm cho Huế đẹp hơn trong không gian của di sản văn hóa, với nhiều cung điện, đền đài bên cạnh non nước hữu tình; và chắc chắn sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Đối với các trường THPT hiện nay, việc thực hiện trang phục mặc áo dài có lẽ dễ dàng hơn cả, bởi hầu hết nữ sinh khi bước vào đầu cấp đều phải may áo dài, chỉ cần tính toán để tăng thêm số ngày mặc một cách hợp lý. Riêng một số cơ quan nói chung, ngoài sự vận động của lãnh đạo, trong một số trường hợp cần thiết phải có sự tiếp sức từ công đoàn cơ sở về việc hỗ trợ kinh phí để chị em may áo dài. Có như vậy, Cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống mới đạt kết quả cao.
Đặng Thành