ClockChủ Nhật, 23/10/2022 11:03
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

TTH.VN - Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tại buổi thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, công tác giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu quan tâm.

Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hộiNgày 21/10: Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước, phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tảiChính phủ: Có chính sách phù hợp trong điều hành giá điện, xăng dầu5 nội dung lớn được kiến nghị tới Quốc hộiToàn văn bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Đoàn ĐBQH tỉnh thuộc tổ 9, tham gia thảo luận cùng với các đoàn: Hà Nam, Phú Thọ, Lạng Sơn. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu điều hành buổi thảo luận.

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Báo cáo kinh tế xã hội cần rõ nét hơn, nhất là diễn biến thị trường tài chính cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng, Chính phủ cần có chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn. Trong bối cảnh chỉ số chứng khoán giảm sâu, giá cổ phiếu lẫn giá trị doanh nghiệp cũng giảm đang gây thiệt hại cho nhà đầu tư. “Tình hình đang biến động, vì vậy Báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ cần rõ ràng, cụ thể và cập nhật hơn. Chính phủ cũng cần đánh giá nguyên nhân, đề ra các giải pháp cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là gói hỗ trợ COVID-19”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Sưu nêu ý kiến. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Theo ông Lê Trường Lưu, trước sự biến động của thị trường hiện nay, việc kiểm soát chặt thị trường tiền tệ là rất quan trọng, nếu không sẽ tạo thành những “quả bom” ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá, công tác này đang xuất hiện nhiều điểm nghẽn kìm hãm phát triển kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, nhất là việc giải ngân cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ đánh giá việc giải ngân cần thực chất hơn, đồng thời làm rõ việc xin giảm, điều chỉnh vốn đầu tư công do không thể giải ngân của một số bộ, ngành, địa phương.

Đánh giá về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng, giải phóng mặt bằng chậm trễ là trở lực chính, thứ nữa là việc khan hiếm vật liệu xây dựng, năng lực nhà thầu không đáp ứng nhu cầu cũng là nguyên nhân.

Trước thực trạng nhiều cán bộ ngành y nghỉ việc, đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng, vấn đề này liên quan đến 4 yếu tố, đó là môi trường làm việc, cơ hội được đào tạo, cơ hội thăng tiến, lương và đãi ngộ. Theo đó, ông Hiệp cho rằng, trong công tác cải cách tiền lương cần có những tính toán nhất định.

Cũng trên lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Thanh Hải trăn trở về việc thiếu máy móc và thiết bị vật tư y tế do cơ chế hiện nay bó hẹp. Ngoài ra, ông Hải cũng đề cập đến tình hình tội phạm ma túy trái phép diễn biến phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

“Kinh tế thế giới bất ổn nhưng Việt Nam tăng trưởng là điều đáng mừng. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần kịp thời điều chỉnh nhiều thứ. Nhiều vụ án lớn xảy ra, tham nhũng cũng được Đảng xử lý quyết liệt, song vẫn còn tồn tại. Nhiều địa phương bắt các vụ án ma túy lớn, trong đó đối tượng thanh thiếu niên liên quan. Đây là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tương lai đất nước”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu.

Đối với kế hoạch kinh tế xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Chính phủ làm rõ những khái niệm mới như chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…từ đó có những giải pháp phù hợp. “Tại báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc chi chuyển nguồn còn lớn cho thấy sự lãng phí trong huy động nguồn lực. Số nợ thuế có xu hướng tăng cho thấy gian lận, trốn thuế vẫn diễn biến phức tạp, gây thất thu thuế….Do vậy, Chinh phủ cần có những giải pháp phù hợp, đồng thời chỉ đạo kịp thời để triển khai những đề án lớn; có giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân, xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Việc nâng cấp khai thác lưỡng dụng một số sân bay cũng cần có những tiêu chí, giải pháp cho việc khai thác để tránh lãng phí”, bà Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến.

Thọ Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top