Điện Thái Hòa sẽ được cấp 150 tỷ đồng tôn tạo, trùng tu
Tiếp tục giảm 50% phí tham quan di tích
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc đề nghị cho phép tiếp tục giảm phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đó, xem xét giảm 50% phí tham quan đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đưa khách tham quan các khu di sản văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.
Theo thẩm tra của HĐND tỉnh, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, lượng khách du lịch ngày càng sụt giảm, hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch hết sức khó khăn, mặc dù UBND tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp kích cầu du lịch và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Để duy trì hoạt động của ngành du lịch trong thời gian tới, UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành khi đưa khách đến tham quan tại các điểm di tích thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế được tiếp tục giảm 50% phí tham quan từ ngày 1/3/2021 – 31/8/2021 là hết sức cần thiết.
Sau thời điểm 31/8/2021, tùy tình hình thực tế, nếu thấy cần thiết, giao UBND tỉnh quyết định việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm 50% phí tham quan đến hết năm 2021. HĐND tỉnh thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh. Đồng thời, cho rằng, hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện công tác chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực kinh tế, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và phát hành vé điện tử nhằm tạo sự thuận lợi cho du khách.
5.465 tỷ đồng bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về phê duyệt điều chỉnh dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế với mục tiêu gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sống trong khu vực 1 di tích; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.465 tỷ đồng, trong đó, hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng 3.765 tỷ đồng; hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích khoảng 1.700 tỷ đồng, được thực hiện đến năm 2025.
HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết về bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa với tổng kinh phí 150 tỷ đồng được thực hiện trong 4 năm.
Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng, uy nghi, tráng lệ nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn, biểu trưng cơ quan quyền lực của triều đình. Hiện công trình bị xuống cấp nghiêm trọng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, sự xuống cấp qua thời gian, tác động của con người và các yếu tố ngoại lai khác. Chính vì vậy, việc đầu tư trùng tu di tích Điện Thái Hòa đã được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ cấp thiết nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.
Thêm 4 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo quyết định mới vừa được HĐND tỉnh thông qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử
Theo Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được HĐND tỉnh thông qua, giai đoạn 2021- 2025 UBND tỉnh sẽ dành gói 25,7 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 4 chính sách về: hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nguồn nhân lực; hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nghị quyết đến đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn cụ thể quy trình thanh quyết toán khi được hỗ trợ.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, 22 nghị quyết và chủ trương vừa được HĐND tỉnh thông qua là những nghị quyết quan trọng liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện.
Để thực hiện tốt các nghị quyết và chủ trương của HĐND tỉnh, ngay sau kỳ họp này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành các quyết định cụ thể để triển khai thực hiện. Đề nghị Thường trực, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết để các nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.
Bài, ảnh: Thái Bình- Sương Lam