Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có quyết định chưa từng có trong tiền lệ là triển khai gói an sinh xã hội lên đến 62 nghìn tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch bệnh. Yêu cầu đặt ra của gói hỗ trợ là kịp thời, đúng đối tượng; không để lợi dụng chính sách nhưng cũng không được bỏ sót đối tượng. Do tính chất phức tạp trong xác minh đối tượng nên gói hỗ trợ được triển khai thận trọng nhưng cũng rất khẩn trương, với tinh thần đối tượng nào xác định được rõ ràng thì tiến hành chi trả ngay.
Thực tế những ngày qua, 4 đối tượng là gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đã nhận được tiền hỗ trợ một cách thuận lợi nhất. Với Thừa Thiên Huế, đến nay việc chi trả cho 4 đối tượng trên cơ bản hoàn thành; nhiều địa phương tổ chức đến tận nhà để trao tận tay người được hỗ trợ và đã hoàn thành việc chi trả ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, càng làm tăng thêm ý nghĩa của gói hỗ trợ của Nhà nước.
Trở lại câu chuyện hàng ngàn người dân ở Thanh Hóa tự nguyện không nhận khoản tiền hỗ trợ này, trên mạng xã hội đã có những bình luận trái chiều và cho rằng chính quyền ép người dân ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ để lấy thành tích. Nhưng qua xác tín của chính những người đã ký vào đơn với các cơ quan báo chí, họ không nhận tiền hỗ trợ vì thấy mình chưa đến mức khó khăn thiếu đói, nhường lại cho người khác khó khăn hơn; ưu tiên hỗ trợ cho những người chống dịch; san sẻ một phần khó khăn với Nhà nước…
Không chỉ ở một địa phương, phong trào tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh lan tỏa ra nhiều tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh…Thậm chí nhiều người nghèo, thương binh ở Bắc Giang đã nhận tiền hỗ trợ nay tự nguyện trả lại tiền. Điều này cho thấy, không hề có chuyện ép buộc người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ mà xuất phát từ tấm lòng “nhường cơm sẻ áo” của những người tuy chưa giàu về vật chất, nhưng giàu lòng nhân ái.
Quả thật, khi Chính phủ triển khai gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng, điều tôi lo nhất là làm sao triển khai kịp thời, đúng đối tượng, không xảy ra chuyện “dê di lạc ngõ, gà vào lạc chuồng” không chỉ mất cán bộ mà còn gây mất lòng tin của Nhân dân. Chuyện người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ là điều tôi chưa hề nghĩ đến. Tuy có bất ngờ, nhưng điều này không có gì bất thường. Thực tế đã có những chuyện tương tự. Đó là chuyện xin thoát nghèo của cụ bà Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa; hay chuyện cả trăm hộ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Họ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo với suy nghĩ nhường lại cho người khó khăn hơn mình; nỗ lực vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Điều này cho thấy, họ đã thoát nghèo từ ý thức, chắc chắn sẽ sớm thoát nghèo trong cuộc sống.
Sự nỗ lực vươn lên, chung sức đồng lòng, đồng hành cùng Nhà nước của người dân là biểu hiện sinh động của lòng yêu nước, góp phần làm lên sức mạnh Việt Nam để vượt qua những lúc khó khăn nhất nói chung, trong thành công chống đại dịch COVID-19 nói riêng.
Hoàng Minh